Nâng cao năng lực của Hội đồng nhân dân các cấp

HĐND các quận, huyện, thị xã đang tổ chức đánh giá, tổng kết thực hiện Đề án 04/ĐA-TU của Thành ủy Hà Nội về 'Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016' (Đề án 04), làm cơ sở để Thành ủy xem xét, ban hành đề án mới cho nhiệm kỳ 2016-2021. Điểm nổi bật của Đề án 04 là những đổi mới trong công tác nhân sự, tăng số đại biểu chuyên trách. Đây là tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND…

Thường trực HĐND huyện Ứng Hòa cập nhật thông tin hoạt động và triển khai nhiệm vụ thường kỳ. Ảnh: Bá Hoạt

Hoạt động bài bản, hiệu quả

Thực hiện Đề án 04, cùng với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, HĐND nhiều quận, huyện, thị xã được tăng cường bộ máy giúp việc và nhờ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động. Phó Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Đặng Viết Đông cho biết, thời gian qua, hoạt động của HĐND các cấp trong huyện có nhiều đổi mới, thực hiện ngày càng tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, trong đó công tác cán bộ là khâu đột phá. Huyện ủy đã chú trọng công tác bố trí phân công lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện giúp việc cho Thường trực HĐND huyện; phân công chuyên viên chuyên trách HĐND; chỉ đạo kiện toàn kịp thời chức danh chủ tịch HĐND và phó chủ tịch HĐND cấp xã. Từ khi có cán bộ chuyên trách, công tác chuẩn bị các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, phối hợp với các cơ quan chức năng huyện... được thực hiện tốt hơn.

Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Trần Lan Hương, công tác cán bộ tham gia HĐND của quận được củng cố kiện toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng. Ngoài chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban HĐND quận tham gia cấp ủy, hầu hết chức danh chủ tịch, phó chủ tịch cấp phường đều tham gia cấp ủy địa phương. Từ đó, các hoạt động của HĐND quận Tây Hồ có nhiều đổi mới, trong đó hoạt động giám sát được triển khai bài bản, hiệu quả. Nhiệm kỳ 2011-2016, Thường trực HĐND và các ban HĐND quận đã triển khai 73 cuộc giám sát tập trung các lĩnh vực như công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, xây dựng cơ bản; quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục; công tác giải quyết kiến nghị cử tri… Sau giám sát, Thường trực HĐND quận và các ban đều có thông báo kết luận giám sát, trong đó tái giám sát công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng - đô thị trên địa bàn các phường.

Tương tự, thực hiện Đề án 04, Huyện ủy Phúc Thọ cũng chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của HĐND. Bên cạnh việc phân công các đồng chí cấp ủy giữ các vị trí chủ chốt của HĐND, Huyện ủy đề cao vai trò của HĐND trong việc cụ thể hóa các chủ trương lãnh đạo của Đảng, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân...

Ngoài số lượng cần chất lượng

Đại biểu HĐND một số quận, huyện cho rằng, nhiệm kỳ 2011-2016, Quốc hội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại một số nơi phần nào đã tác động, ảnh hưởng đến nhận thức chung về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến một số cấp ủy cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ, nên vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND có lúc, có nơi chưa được quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn, quá trình thực hiện Đề án 04 cũng còn một số khó khăn. Đề án đề cập cán bộ tham mưu giúp việc cho HĐND nhưng chưa cụ thể, mới chỉ là: “Ở cấp huyện cần bố trí một lãnh đạo văn phòng và tăng thêm chuyên viên chuyên trách của văn phòng HĐND và UBND giúp việc cho HĐND”, do vậy, một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa quyết liệt thực hiện. Thực tiễn, đến nay huyện Phúc Thọ chưa bố trí, phân công cán bộ, chuyên viên giúp việc chuyên trách cho HĐND huyện.

Thường trực HĐND huyện Sóc Sơn, Ứng Hòa và các quận Ba Đình, Bắc Từ Liêm cho rằng, Đề án 04 của Thành ủy và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định tăng đại biểu chuyên trách, nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng bố trí được ở nhiệm kỳ 2016-2021, có nơi mới bố trí cấp trưởng, cấp phó vẫn kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh đề xuất, luật mới quy định, HĐND cấp tỉnh có Văn phòng HĐND và chuyên viên giúp việc riêng của HĐND, còn cấp huyện chưa có.

Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cần có quy định tách riêng văn phòng HĐND cấp huyện để hoạt động chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành quy chế hoạt động của HĐND để thay thế quy chế năm 2005 do có một số điểm không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như: Quy định việc sử dụng con dấu đối với các ban, các tổ đại biểu HĐND cấp xã và việc thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã hiện nay.

Bên cạnh việc tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách, HĐND nhiều quận, huyện cũng đồng tình cho rằng, dù đã được tăng cường tập huấn, song kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tư pháp, đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để giúp các đại biểu hoàn thiện kỹ năng cần thiết, thực hiện tốt hơn vai trò của người đại diện dân cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/865337/nang-cao-nang-luc-cua-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap