Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy

Để thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC, Chính phủ giao cho Bộ Công an, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó Bộ Công an trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC.

Trong bối cảnh hiện nay, trước những khó khăn chung của nền kinh tế và mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển đất nước, đã đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì, phát triển sản xuất bền vững, đòi hỏi công tác PCCC phải được thực hiện triệt để, rộng khắp; góp phần bảo vệ thành quả sản xuất và đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống pháp luật về PCCC luôn được Đảng, Nhà nước điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.

Lực lượng Cảnh sát PCCC ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Năm 2001, trước yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật PCCC được Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001. Ngày 22-11-2013, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Ngày 25-6-2015, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC…

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về PCCC ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới; tạo ra cơ sở pháp lý trong việc thực thi chức năng quản lý Nhà nước của Cảnh sát PCCC; có tác dụng thiết thực, huy động sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội vào công tác PCCC.

Trong những năm qua, các Bộ, ngành, UBND các cấp ngày càng tích cực tham gia quản lý Nhà nước về PCCC, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định an toàn về PCCC. Nhiều địa phương, lãnh đạo UBND đã trực tiếp đi kiểm tra PCCC, tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc về PCCC ở địa phương, quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch về PCCC; xây dựng và nhân rộng những mô hình tốt về PCCC…

Hằng năm, chỉ riêng công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã cứu, bảo vệ được một lượng tài sản trị giá hàng nghìn tỉ đồng, tổ chức thoát nạn và cứu hàng ngàn người bị kẹt trong đám cháy và các sự cố, tai nạn…

Hầu hết các công trình xây dựng lớn, có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa các giải pháp PCCC vào ngay từ khi thiết kế và thực hiện tốt việc thẩm duyệt về PCCC. Công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC được thực hiện nghiêm túc; trung bình mỗi năm đã phát hiện và yêu cầu khắc phục, loại trừ hàng ngàn vi phạm, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ. Công tác xử lý vi phạm an toàn PCCC được triển khai quyết liệt, đi đôi với việc xử phạt vi phạm hành chính. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiên quyết đình chỉ hoạt động nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn PCCC và thoát nạn…

Các cơ quan thông tin đại chúng đã quan tâm, dành nhiều thời lượng tuyên truyền, truyền thông về pháp luật và kiến thức PCCC với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nội dung sâu sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân được nâng cao và đi vào nền nếp; phong trào Toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng.

Nhiều khu dân cư người dân tự giác tham gia phong trào Toàn dân PCCC, trang bị phương tiện chữa cháy, giải tỏa lấn chiếm, tạo khoảng cách an toàn PCCC, dành đường cho xe chữa cháy cơ động khi có sự cố cháy nổ xảy ra… Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phát triển lớn mạnh, xử lý có hiệu quả những vụ cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ phức tạp, quy mô lớn…

Hằng năm, chỉ riêng công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã cứu, bảo vệ được một lượng tài sản trị giá hàng nghìn tỉ đồng, tổ chức thoát nạn và cứu hàng ngàn người bị kẹt trong đám cháy và các sự cố, tai nạn…

Trong những năm đổi mới, các lực lượng PCCC và toàn dân thông qua việc thực hiện các biện pháp PCCC đã làm kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, giữ ở mức trên dưới 2.000 vụ cháy/năm; đặc biệt cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng được kiềm chế ở mức từ 1 đến 2% tổng số vụ cháy xảy ra…

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, trong đó chú trọng các chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những vi phạm quy định an toàn PCCC; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC phù hợp yêu cầu thực tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC.

Sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý, thông qua việc thực hiện Luật PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy kiên quyết tạm thời đình chỉ hoạt động. Làm rõ trách nhiệm cá nhân đưa ra khởi tố, truy tố trước pháp luật những trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng…

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật và Chỉ thị số 47/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, chú trọng vai trò của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện công tác PCCC tiến tới mục tiêu xã hội hóa công tác này.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác phòng ngừa. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền PCCC và CNCH, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giúp người đứng đầu, người lao động và người dân nâng cao ý thức thực thi pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực thi các biện pháp quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh hướng dẫn để cơ sở tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC, làm tốt việc tự kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở theo quy định; tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo an toàn về PCCC nhất là đối với các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở tập trung đông người, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao...

Triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn cháy lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát PCCC vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ pháp luật và kiến thức quản lý Nhà nước về PCCC, có tư cách, tác phong của người cán bộ thừa hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo nguồn lực cho công tác CNCH, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-chay-chua-chay-410688/