Nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 – 2016, tổ chức ngày 14-7, tại TP Đà Nẵng.

Tham dự hội nghị có đại diện các ban, bộ ngành T.Ư, thành viên Đoàn giám sát, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia, nhà quản lý.

Đại biểu dự hội nghị đã lắng nghe ý kiến của đại diện các cơ quan chịu sự giám sát ở T.Ư và địa phương đối với những nhận định của Đoàn giám sát, ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội và các chuyên gia… đánh giá những kết quả đạt được trong giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 – 2016.

Đồng thời, nêu rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó; kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước.

Trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2016, thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Hệ thống thể chế, luật pháp tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn và sắp xếp, điều chỉnh theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng, nhiệm vụ tập trung vào quản lý vĩ mô;

Đã phân định rõ hơn chức năng, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; các cơ quan chuyên môn ở địa phương được tổ chức lại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối. Việc quản lý biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, kết quả giám sát cũng cho thấy còn nhiều mục tiêu cải cách bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều đầu mối và tầng nấc trung gian; còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, chưa thực hiện tốt nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính;

Việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở T.Ư và các cấp chính quyền địa phương còn chưa rành mạch. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện chưa chú trọng đến đặc điểm của vùng, miền, địa phương, chưa phân hóa rõ rệt giữa yêu cầu quản lý tại nông thôn, đô thị, hải đảo;

Tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự đổi mới mạnh mẽ;

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức xét về chất lượng và cơ cấu có nhiều mặt chưa ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức trực tiếp thừa hành;

Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố...

Các tồn tại, hạn chế nêu trên đã được chỉ ra trong nhiều Nghị quyết, Kết luận của BCH T.Ư, Bộ Chính trị nhưng chậm được khắc phục. Nguyên nhân của tình trạng trên cũng đã được đề cập trong các văn kiện, trong đó có thể thấy việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy còn thiếu thống nhất, chưa thực sự kiên quyết;

Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy chưa được tiến hành đồng bộ với sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này.

Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Đại hội cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; xây dựng nền hành chính hiện đại; tập trung cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế phân cấp...

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nói trên, hoàn thành mục tiêu giám sát mà Quốc hội đã đặt ra đối với nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, từ thực tiễn tại bộ, ngành, địa phương, đại biểu dự hội nghị thẳng thắn, phân tích, làm rõ thêm những vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua;

Nêu lên những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm thiết thực nhằm giúp Đoàn giám sát rút ra được những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, có tính tổng quát cao;

Đề xuất những giải pháp mới, mang tính đột phá; những kiến nghị về hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả; cho ý kiến, đánh giá cụ thể về tính hiệu quả cũng như tính khả thi của từng nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ hay trong đề cương Báo cáo kết quả giám sát.

Cụ thể như, đề xuất về việc không đưa quy định về tổ chức bộ máy và biên chế vào các văn bản luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy; quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó của các cơ quan làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ; tổ chức các cơ quan chuyên môn ở địa phương phù hợp với yêu cầu, tính chất của từng đơn vị hành chính, hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng;

Sửa đổi cơ chế phê duyệt biên chế sự nghiệp hằng năm, xây dựng chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức, bổ nhiệm có thời hạn đối với công chức, nghiên cứu thí điểm thực hiện bỏ chế độ công chức suốt đời...

Trên cơ sở ý kiến tại hội nghị, Đoàn giám sát đã tiếp thu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, bổ sung đầy đủ lập luận, số liệu, phụ lục kèm theo để báo cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đoàn giám sát dự kiến tổ chức vào cuối tháng bảy này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33466302-nang-cao-hieu-qua-giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-cai-cach-to-chuc-bo-may-hanh-chinh-nha-nuoc.html