Nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Chiều ngày 26 tháng 8 năm 2016 tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và ông Andrew Holt, Bí thư thứ Nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT), chống hàng giả, bảo vệ quyền xâm phạm SHTT điều đó được thể hiện qua việc Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng thường trực đứng đầu. Điều đó một lần nữa khẳng định, đây là một lĩnh vực được Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam cũng như nhân dân đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian qua, tình hình hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp và mang cả yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT cần quá trình triển khai quyết liệt, làm rõ những thủ đoạn để rà soát, tổ chức tốt việc phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi. “Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Andrew Holt, Bí thư thứ Nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu điều đó đòi hỏi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để đón đầu cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động trong môi trường kinh doanh minh bạch.

Ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam

Việc nâng cao quyền SHTT sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và kích thích quá trình sáng tạo của DN. Trong những năm qua, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội đã hợp tác hiệu quả với Việt Nam thông qua các chương trình, nâng cao năng lực cho cán bộ Quản lý thị trường, dự án "tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT, nâng cao hiệu qua thực thi quyền SHTT tại Việt Nam"...

"Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các DN tại Việt Nam vì nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp nước ngoài có các sản phẩm đổi mới. Do đó thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để duy trì lòng tin của DN vào việc bảo vệ hợp lý cho đầu tư của họ. Đại sứ quán Anh rất vui mừng hỗ trợ tổ chức Hội thảo ngày hôm nay thông qua quỹ Thịnh vượng nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp và Chính phủ thảo luận về vấn đề quan trọng này" - ông Andrew Holt, Bí thư thứ Nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ.

Nhấn mạnh về vai trò của DN trong công tác chống hàng giả và sự cần thiết trong công tác phối hợp, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương khẳng định, DN có vị trí quan trọng trong công tác thực thi Quyền SHTT. DN là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hóa của mình, là người hiểu rõ hàng hóa của mình hơn ai hết. Các DN một mặt không tham gia vào việc sản xuất, buôn bán hàng giả mà còn chủ động phòng và chống làm giả các sản phẩm của mình một cách tích cực.

Đặc biệt, Chỉ thị 28/2008/CT-TTg cũng nhấn mạnh "phải tiến hành đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ở mọi lĩnh vực, mọi nơi mà hàng giả có thể xuất hiện để có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời, đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng thực thi và các DN; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, DN, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng để phối hợp đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Lam cũng cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh một số DN phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thì nhiều DN vẫn chưa quan tâm, thờ ơ, né tránh vì ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm của mình. Lo ngại khi công bố đặc điểm hàng thật, hàng giả, đối tượng sản xuất hàng giả nắm được đặc điểm hàng hóa để tiếp tục sản xuất hàng giả. Hiện chưa có cơ chế bảo đảm vai trò, trách nhiệm của các DN trong việc chủ động phát hiện và phối hợp với các lực lượng thực thi, mới dừng lại ở việc phối hợp chung chung trên văn bản thỏa thuận với một số hiệp hội ngành hàng và lẻ tẻ các mặt hàng. Việc phối hợp còn chưa bàn bản, chưa thường xuyên và chưa có kế hoạch cụ thể.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Ông Đỗ Thanh Lam cũng cho biết, để khắc phục tình trạng này, về phía DN, có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc cóđại diện sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình; cần xây dựng chiến lược về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ động phối hợp, hỗ trợ cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả. Cung cấp cho lực lượng thực thi các thông tin về: Đầu mối về sở hữu trí tuệ của DN, mặt hàng vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm, thị trường tiêu thụ, đầu mối sản xuất, buôn bán hàng giả. Hướng dẫn về các dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả của DN thông qua: tờ rơi, sách hướng dẫn, các cuộc hội thảo, đào tạo, tập huấn. Tham gia và phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chống hàng giả, cách thức hợp tác giữa DN và cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả. Phối hợp và tham gia tổ chức các hội nghị giao lưu thường xuyên giữa các lực lượng thực thi và các DN, hiệp hội DN, các văn phòng luật sư, các chuyên gia để tăng cường sự gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, huy động sự đóng góp tích cực về kiến thức, ý tưởng, phương tiện, thiết bị và nhiều nguồn lực khác của DN... trong công tác phòng và chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tham gia vào các vụ việc kiểm tra của Quản lý thị trường khi Quản lý thị trường có yêu cầu. Hỗ trợ kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả. Cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí;xác lập quyền sở hữu công nghiệp;áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả.

Về phía cơ quan thực thi, cần chia sẻ thông tin với các DN về các văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện để các DN tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quảđiều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Cục Quản lý thị trường mong muốn và kêu gọi sự hợp tác của các DN, các nhà sản xuất kinh doanh chân chính trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm Quyền SHTT. Sẵn sàng lắng nghe các ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong việc liên hệ, trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa DN và cơ quan thực thi. Quản lý thị trường luôn đồng hành cùng DN, bảo vệ quyền lợi của DN" - ông Đỗ Thanh Lam chia sẻ thêm.

Cũng tại Hội thảo, Chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ - Vương quốc Anh đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về xâm phạm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện các Chi cục Quản lý thị trường nói về thực trạng công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và DN, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới. Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệptrong việc bảo vệ DN, hàng hóa của mình trước vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đại diện củaHiệp hội nói về vai trò của Hiệp hội trong công tác làm cầu nối giữa doanh nghiệp – cơ quan thực thi và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/tin-bo-cong-thuong/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-chong-hang-gia-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-650326.html