Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân - Bài cuối

Loại hình giải trí phổ biến của công nhân sau giờ lao động chủ yếu là xem tivi, nghe nhạc. Bên cạnh đó, khi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống, thì nhu cầu vui chơi giải trí cũng bị bó hẹp dần; và ngược lại, khi đời sống vật chất được cải thiện thì đời sống tinh thần mới dần được nâng lên.

ĐỂ CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Muốn nâng cao đời sống văn hóa, thể lực, tinh thần cho người lao động tại KCN thì việc xây dựng và phát huy công năng của các thiết chế văn hóa thực sự là rất cần thiết. Việc này liên quan đến trách nhiệm của chính doanh nghiệp, vai trò của công đoàn cơ sở, cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương.

Theo ông Vương Duy Bảo, PCT Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thốn trầm trọng thiết chế văn hóa cho công nhân tại KCN một phần còn nằm ở kẽ hở trong luật. Luật Đầu tư trước đây không có quy định rõ ràng, cụ thể là khi đầu tư xây dựng KCN thì các doanh nghiệp phải dành vốn và quỹ đất để đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí… cho công nhân

Giờ tập luyện, chuẩn bị thi đấu thể thao của công nhân KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) sau giờ làm việc. Ảnh: Q.N

Từ năm 2011 Bộ VH,TT&DL cũng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh, thành, địa phương có KCN trong cả nước phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động, ban quản lý các KCN chăm lo xây dựng đời sống cho người lao động, cụ thể là xây dựng các Trung tâm văn hóa, thể thao để người công nhân có nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đọc sách báo, giải trí… Văn bản cũng nêu rõ chủ tịch UBND các tỉnh, thành bố trí quy hoạch quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, nhưng cho đến nay rất ít địa phương tổ chức thực hiện và hầu hết các tỉnh, thành vẫn chưa triển khai quyết định này của Thủ tướng.

Nhằm đáp ứng chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống cho công nhân KCN, năm 2012 tỉnh Vĩnh Phúc liên kết với doanh nghiệp Bảo Quân để xây dựng khu chung cư thu nhập thấp và Nhà văn hóa đa năng cho công nhân KCN Khai Quang. Công trình này đã đi vào sử dụng từ năm 2014, với 3 tòa nhà ở bao gồm cả siêu thị và một trường mầm non dành cho con em công nhân trong khu vực. Khu Nhà văn hóa đa năng bao gồm phòng tập gym, tập võ, sân cầu lông, sân bóng chuyền, bóng đá… Tỉnh Vĩnh Phúc cũng áp dụng chính sách giảm 50% mức phí cho công đoàn viên KCN có nhu cầu sinh hoạt tại đây. Tuy nhiên, do mặt bằng xây dựng còn hạn chế, nhiều hạng mục chưa được chú trọng đầu tư, diện tích của công trình còn hẹp so với quy định, vì thế công trình này cũng chỉ đáp ứng cho một bộ phận nhỏ công đoàn viên có nhu cầu chứ không thể đáp ứng đủ cho số lượng lớn công nhân lao động tại KCN.

Ngoài ra, đời sống văn hóa nghèo nàn của người lao động còn có nguyên nhân từ chính bản thân họ, do hầu hết bị hạn chế về thời gian và kinh tế. Trong thời gian lao động, công nhân làm thêm giờ nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động văn hóa, thể thao. Khảo sát nhanh tại các KCN cho thấy: Loại hình giải trí phổ biến của công nhân sau giờ lao động chủ yếu là xem tivi, nghe nhạc. Bên cạnh đó, khi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống, thì nhu cầu vui chơi giải trí cũng bị bó hẹp dần; và ngược lại, khi đời sống vật chất được cải thiện thì đời sống tinh thần mới dần được nâng lên. Anh H.B, một lao động đang làm việc tại KCN Đồng An 2 (Thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) chia sẻ: Đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của công nhân hiện tại còn phụ thuộc vào một số yếu tố như quỹ thời gian hạn hẹp và điều kiện kinh tế chưa mấy dư giả: “Phần lớn thời gian trong ngày của chúng tôi là ở nơi làm việc. Lao động cả ngày cũng vất vả và uể oải nên hết giờ chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng về nhà nghỉ ngơi và giải quyết công việc gia đình. Hơn nữa, đồng lương công nhân hạn hẹp nên chúng tôi cũng không nghĩ tới việc giao lưu hay sinh hoạt tập thể gì cả”.

Như vậy để thấy rằng, việc đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân và người lao động tại KCN mới chỉ là những việc làm bước đầu. Làm sao để người lao động thật sự được hưởng thụ các thiết chế văn hóa một cách có hiệu quả và có hệ thống thì lại cần có sự tính toán và hành động của chính các doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành địa phương.

Theo ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, 15% các KCN xây dựng được thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động (ước tính 5 thiết chế); 70% công nhân lao động KCN được tuyên truyền pháp luật Luật lao động, công đoàn và những lợi ích liên quan, được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, được học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. “Với những KCN đã có nhà đa năng, sinh hoạt cộng đồng, công đoàn sẽ đổi mới nội dung hoạt động, thu hút công nhân dựa trên hoạt động các câu lạc bộ sở thích. Công đoàn sẽ cử chuyên gia tới hỗ trợ các câu lạc bộ hình thành trên sở trường từng công nhân để đa dạng hóa hoạt động”, ông Tiêm nói.

Còn về phía Bộ VH, TT&DL, ông Vương Duy Bảo cũng cho biết: Cục Văn hóa cơ sở sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ cũng như tư vấn cho tỉnh thành, các địa phương có nhu cầu hay vướng mắc về việc xây dựng các Trung tâm văn hóa. Nếu cần thiết, cục sẽ cử cán bộ đến hỗ trợ các trung tâm để tư vấn tổ chức hoạt động văn hóa cho công nhân làm sao để các Trung tâm có cơ chế hoạt động phù hợp và phát huy vai trò một cách có hiệu quả nhất.

X.C - Q.N

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nang-cao-doi-song-van-hoa-cho-cong-nhan-bai-cuoi-20160907220319038.htm