Nâng cao 'chất' y tế gần dân

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đưa y tế về gần dân nhất, các bệnh viện tuyến huyện đang nỗ lực hết mình, cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đưa y tế về gần dân nhất, các bệnh viện tuyến huyện đang nỗ lực hết mình, cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được củng cố cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến gần dân nhất đang được nâng cao.

Cứu sống nhiều ca bệnh nặng tại bệnh viện huyện

Bà Giàng Thị Váng (ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai) do mâu thuẫn gia đình đã uống thuốc trừ sâu tự tử, rất may gia đình phát hiện và đưa bà Váng đến BVĐK huyện Bắc Hà. BS. Nguyễn Quang Hưng - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK huyện Bắc Hà cho biết, bà Váng nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, liệt cơ... Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, rửa ruột kịp thời bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hiện sức khỏe ổn định. BS. Hưng cho biết thêm, nếu như trước đây gặp các ca bệnh như thế này với tình trạng liệt cơ thì bệnh nhân hầu hết phải chuyển tuyến trên.

Đặc biệt, cũng tại BVĐK huyện Bắc Hà, phẫu thuật nội soi đã thực hiện thành thạo. Với hình thức “cầm tay chỉ việc” của các y, bác sĩ Khoa Ngoại - BVĐK tỉnh Lào Cai, BVĐK huyện Bắc Hà đã nhanh chóng nắm vững chuyên môn và độc lập thực hiện được kỹ thuật này. Bệnh nhân Hoàng Văn H. (thị trấn Bắc Hà) chia sẻ: “Tôi được bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp cần phải phẫu thuật ngay. Bệnh viện áp dụng kỹ thuật mổ nội soi nên chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của tôi đã hồi phục nhanh chóng”.

Bệnh nhân Giàng Thị Váng đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tại bvđk huyện Bắc Hà.

Theo BS. Nguyễn Như Tuấn - Phó Giám đốc BVĐK huyện Bắc Hà, hiện tại, bác sĩ ở BVĐK huyện Bắc Hà đã có thể thực hiện kỹ thuật mổ nội soi nhanh gọn, thành thục, giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng.

Cũng như Bắc Hà, BVĐK Bảo Thắng (Lào Cai) trong những năm qua đã trở thành một điểm sáng trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mới đây, các bác sĩ BVĐK Bảo Thắng đã cấp cứu ca bệnh thập tử nhất sinh với vết thương thấu bụng phức tạp. Bệnh nhân là Nguyễn Văn T. (29 tuổi, ở xã Xuân Giao, Bảo Thắng, Lào Cai) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch: lơ mơ, da tái nhợt, mạch nhanh 120 lần/p, huyết áp hạ 60/30mmHg, tại thành bụng hố chậu phải có hai vết thương đang chảy máu. Được chẩn đoán: Sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi tổn thương mạch máu. BS. Nguyễn Duy Đạt - kíp trưởng đã phẫu thuật thành công ca bệnh này.

BS. Đạt cho biết, bệnh nhân có hai vết thương ngoài da vùng hố chậu phải nhưng vô cùng phức tạp. Kiểm tra ổ bụng thấy có tổn thương động mạch chậu trong, 4 vết thương bờ tự do xuống hai quai hỗng tràng, một vết thương xuyên qua mạc treo, cách góc hồi manh tràng 40cm, xuyên xuống phúc mạc thành sau vùng tiểu khung trái. Toàn bộ phúc mạc thành sau tiểu khung tụ máu lan rộng lên hố chậu phải đến góc thận phải.

Sau khi mổ phúc mạc thành sau vùng tiểu khung thấy vết thương đứt 2/3 động mạch chậu trong chảy máu, kíp phẫu thuật tiến hành chẹn động mạch chủ bụng để khâu cầm máu động mạch chậu trong, khâu vết thương hỗng tràng, vết thương mạc treo, đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau khoảng 2 giờ phẫu thuật và truyền 2 đơn vị máu, bệnh nhân đã ổn định.

Nỗ lực vì sức khỏe nhân dân

Thành công của các ca bệnh khó đã phần nào khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ vì sức khỏe nhân dân, vì sự công bằng trong tiếp cận y tế đối với người dân của các bệnh viện tuyến huyện.

Tại TP.HCM, để tăng cường nguồn nhân lực, trong năm 2016, 18 bệnh viện của thành phố đã hỗ trợ bác sĩ cho 13 bệnh viện quận, huyện. Đã có hơn 500 lượt cán bộ y tế được phân công luân phiên chuyên môn ở các lĩnh vực sản phụ khoa, nhi, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại tổng quát, mắt, chấn thương chỉnh hình, tai mũi họng... Với sự quyết tâm của ngành y tế thành phố, đến nay tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện của thành phố đều có khoa sản và khoa nhi với tổng số giường bệnh cho hai chuyên khoa này đạt tỷ lệ 30% trên tổng số giường bệnh tại các bệnh viện quận, huyện (1.405/4.712 giường). Việc phát triển hai chuyên khoa này nhằm đáp ứng mô hình bệnh tật phổ biến của mỗi địa phương.

Thực tế cho thấy, những bệnh viện đầu tư tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực thì hiệu quả điều trị tốt hơn. Nổi bật là Bệnh viện quận Thủ Đức, Quận 2, Tân Phú, Bình Tân...

Chủ trương của ngành y tế là đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tốt hơn, đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên với các bệnh thông thường để các bệnh viện đa khoa có điều kiện tập trung phát triển khám chữa bệnh điều trị các bệnh phức tạp, cần chuyên môn sâu.

Y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng giúp cho hệ thống y tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. BS. Nguyễn Quang Hưng, BVĐK Bắc Hà, Lào Cai nói: “Chúng tôi được đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các bệnh viện tuyến Trung ương, chúng tôi được cập nhật kiến thức từ các thầy ở tuyến trên nên tự tin để xử lý các ca bệnh khó mà trước đây chưa xử lý được. Vì vậy đã tạo niềm tin trong nhân dân và làm thay đổi quan niệm của nhiều người... Các bác sĩ ở những vùng khó khăn như thế này luôn phải nỗ lực không ngừng vì nhiệm vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Lệ Nguyễn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nang-cao-chat-y-te-gan-dan-n133472.html