Nâng cao chất lượng y học quân sự

BÀI 2 Xây dựng ngành Y Quân đội tinh, gọn, mạnh

Bài 1: Thách thức từ chiến tranh công nghệ cao

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tập trung kiện toàn cả về tổ chức, lực lượng và trang, thiết bị, phương tiện; từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên các tuyến quân y... đòi hỏi việc chung tay xây dựng ngành Quân y theo hướng tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực các tuyến quân y

Thiếu tướng, TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng), khẳng định: Lực lượng quân y “vừa hồng, vừa chuyên” có vai trò quan trọng bảo đảm quân y (BĐQY) cho bộ đội huấn luyện và chiến đấu, đồng thời góp phần chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời bình. Quyết định số 152 ban hành quy chế về nhiệm vụ và tổ chức ngành Quân y; Quyết định số 56 ban hành Điều lệ công tác quân y Quân đội nhân dân Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng; nhất là Chỉ thị 25/2004/CT-TTg của Chính phủ về “Tăng cường công tác kết hợp quân dân y chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới”, chính là những căn cứ để ngành Quân y chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và trực tiếp chỉ đạo kiện toàn, xây dựng hệ thống quân y toàn quân; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị đến ứng dụng kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, chữa bệnh, nâng cao năng lực của các tuyến quân y.

Đến nay, các bệnh viện quân y tuyến chiến lược được đầu tư phát triển toàn diện, đạt trình độ hiện đại, với nhiều chuyên khoa sâu, có kỹ thuật mũi nhọn ngang tầm khu vực và quốc tế, như: kỹ thuật ghép tạng, can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, vi phẫu, tân tạo tuần hoàn..., tạo sự phát triển nhảy vọt về chất lượng thu dung, cấp cứu, điều trị. Toàn ngành từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và cứu chữa; tăng cường khả năng tự cứu chữa, cứu chữa ban đầu; vận chuyển nhanh, kết hợp cứu chữa, chuyên sâu ở tuyến sau; đưa kinh nghiệm tuyến sau ra tuyến trước qua Tele-medicine... Do vậy, nhiều năm qua, toàn quân không có bệnh dịch lớn xảy ra; tỷ lệ quân số khỏe luôn duy trì vững chắc hơn 98,5%, bảo đảm tốt cho thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).

Cùng với đó, ngành Quân y còn phối hợp mở các lớp đào tạo, bổ túc, tập huấn cho cán bộ chủ chốt quân y các cấp trong toàn quân: về chuyên ngành tổ chức chỉ huy quân y (TCCHQY) cấp chiến dịch, chiến thuật; BĐQY cho trung đoàn, sư đoàn bộ binh tiến công, phòng ngự trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố; trong tác chiến phòng thủ quân khu. Đồng thời, phối hợp huấn luyện triển khai bệnh viện dã chiến dự bị động viên và các phân đội quân y trong chiến đấu; BĐQY trong tác chiến biên giới bộ, biên giới biển; trong phòng, chống thảm họa cháy, nổ...

Học viên lớp đào tạo tập trung ngắn hạn chuyên ngành TCCHQY cấp chiến thuật, chiến dịch (Học viện Quân y): Trung tá Vũ Đình Thụ, Trợ lý Phòng Quân y (Quân khu 7) và Thiếu tá Lê Đăng Phúc, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), chia sẻ: Tham gia lớp đào tạo này giúp chúng tôi được cập nhật, bổ sung kiến thức mới về đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; công tác TCCHQY; nhất là kiến thức về tổ chức tiếp tế quân y trong các loại hình tác chiến mới: tác chiến phòng thủ, phòng ngự, phản công; nguyên tắc bố trí, triển khai các tuyến quân y trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng...

Đa dạng các loại hình kết hợp

Thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết số 02/NQ-BCT, ngày 30-7-1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) xác định nhiệm vụ quốc phòng, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tích cực triển khai xây dựng thành KVPT vững chắc trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để góp phần xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong thế trận phòng thủ khu vực, ngành Quân y đã tham mưu Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên. Theo đó, ngành Quân y tích cực chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phối hợp y tế nhân dân thực hiện có hiệu quả Chương trình 12 “Kết hợp quân dân y (KHQDY) xây dựng quốc phòng toàn dân và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ngành Quân y còn đề xuất xây dựng nhiều mô hình KHQDY từ tuyến cơ sở đến tuyến T.Ư; nhiều mô hình trạm y tế KHQDY tại các xã vùng sâu, vùng cao biên giới, hải đảo như: ở huyện Sông Mã (Sơn La); tuyến đảo đông bắc và vùng khó khăn của các quân khu... đã và đang là những điểm sáng của y tế cơ sở.

Sự đa dạng hóa các loại hình KHQDY đã mang lại hiệu quả thiết thực; nhất là hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng. Đây là nền tảng để tổ chức BĐQY theo phương châm bốn tại chỗ: “lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, bảo đảm cơ động nhanh nhất trong KVPT khi có tình huống xảy ra. Hàng nghìn tổ quân y cơ động và phòng, chống dịch bệnh đã ra đời; hàng trăm đội phẫu thuật cơ động, được luyện tập bài bản, luôn ở trạng thái sẵn sàng cao và luôn là lực lượng xung kích, có mặt đầu tiên khi xảy ra tình huống, nhất là tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh...

Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Đại tá, PGS, TS Lê Hữu Song cho biết: Cùng với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, bệnh viện còn duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp trực SSCĐ; duy trì ba đội phẫu thuật, cứu chữa cơ bản; chín tổ cấp cứu chuyên khoa, các tổ cấp cứu cán bộ cấp cao, được trang bị xe ô-tô cứu thương, cơ số thuốc đi cùng, bảo đảm “có lệnh” là lên đường làm nhiệm vụ. Bệnh viện sẵn sàng liên kết tuyến, kết nối mạng in-tơ-nét qua hệ thống Tele-medicine (truyền hình trực tuyến y học) để tư vấn, chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện, bệnh xá tuyến quân, dân y; nhất là Bệnh xá đảo Song Tử Tây và bệnh xá các tuyến đảo xử lý tốt nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu nặng, phức tạp. Đồng thời, phối hợp mở rộng liên kết tuyến, kết nối hệ thống Tele-medicine các bệnh viện trong và ngoài Quân đội: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 211 Tây Nguyên, Việt Đức, Bạch Mai... Khi nhận được đề nghị hỗ trợ cấp cứu các ca bệnh nặng, bất kể ngày hay đêm, chỉ sau 30 phút là kíp chuyên gia từ điểm cầu Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có thể kết nối các bệnh viện, bệnh xá quân, dân y để trực tiếp tư vấn, chỉ đạo việc chẩn đoán, điều trị.

Chính ủy Bệnh viện Quân y 175, Đại tá, TS Nguyễn Thành Đức cho biết: Là bệnh viện chiến lược tuyến cuối của Quân đội ở phía nam, Bệnh viện Quân y 175 đã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện; đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản; tổ cấp cứu đường không; tổ cứu hộ, cứu nạn... hằng năm, tham gia cấp cứu, vận chuyển hàng trăm lượt bệnh nhân là sĩ quan cấp tướng của Quân đội và sĩ quan cấp cao Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Phối hợp cấp cứu nhiều ca bệnh nặng từ vùng biển Trường Sa, Phú Quốc bảo đảm an toàn; thực hiện tốt chương trình KHQDY trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và khu vực. Riêng năm 2016, bệnh viện đã khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân các vùng biển, đảo; cấp cứu hàng không và cấp cứu tai nạn được 4.230 lượt người, góp phần giảm tải ở các tuyến bệnh viện, chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân không ngừng được nâng cao.

Nói về KHQDY, GS, TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, khẳng định: KHQDY là một trong những thành tựu và những bài học quan trọng nhất của ngành Y tế Việt Nam. Từ khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, KHQDY vẫn được duy trì và phát huy. Lực lượng Quân y đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe; các thầy thuốc quân y đóng vai trò chủ lực trong khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Hiện nay, vai trò của ngành Quân y còn thể hiện khá rõ ở một số chuyên ngành mang tính cấp cứu, thảm họa, phòng chống thiên tai. Điển hình như, chuyên ngành bỏng đã phát huy tốt không chỉ trong chăm sóc, cứu chữa cho bộ đội mà cho cả nhân dân. Nhiều công nghệ cao của chăm sóc sức khỏe được các thầy thuốc và đơn vị quân y nghiên cứu, thực hiện thành công. Trong đó, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép thận, ghép gan... Quân đội luôn quan tâm việc giáo dục y đức cho các thầy thuốc quân y, vì vậy có nhiều tấm gương điển hình trong thực hiện nhiệm vụ BĐQY cho bội đội và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; những điển hình này cần nhân rộng, phát huy trong ngành y cả nước.

Đi tắt, đón đầu...

Theo Thiếu tướng, TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Quân y, trước mục tiêu, yêu cầu cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, bên cạnh thuận lợi, ngành Quân y đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là tính chất phức tạp của BĐQY trong điều kiện tác chiến mới. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống tổ chức lực lượng ngành Quân y có mặt chưa đáp ứng kịp xu thế phát triển; nguồn nhân lực ở các tuyến còn mất cân đối về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ bác sĩ được đào tạo chính quy toàn quân chỉ chiếm khoảng 70%; tỷ lệ bác sĩ có kiến thức chuyên ngành về y học quân sự (YHQS), TCCHQY, nhất là ở tuyến quân y cơ sở còn hạn chế. Số lượng bác sĩ quân y tại các đơn vị còn thiếu; trang, thiết bị y tế ở các bệnh viện quân y tuyến chiến lược được đầu tư hiện đại, song ở tuyến quân y cơ sở, các phân đội quân y tại các đơn vị còn lạc hậu, thiếu đồng bộ...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thời gian tới, ngành Y Quân đội tập trung xây dựng lực lượng quân y vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt nhiệm vụ BĐQY cho tác chiến trên cả ba miền: bắc, trung, nam và tác chiến KVPT; giảm quân số ở khối cơ quan, tăng cường cho đơn vị SSCĐ, tăng khả năng cơ động trong tác chiến cho các đơn vị chủ lực theo hướng tinh, gọn, mạnh, chính quy. Trong đó, Cục Quân y tiếp tục tham mưu Bộ Quốc phòng và phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng; hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các cơ sở, đơn vị quân y trên từng vùng, miền, hướng chiến lược. Đầu tư nâng cao năng lực các phân đội quân y cơ động, quân y tuyến cơ sở, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới và các lực lượng mới thành lập. Đẩy mạnh đột phá về huấn luyện, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Chú trọng đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành về YHQS... Đồng thời, phát triển chuyên môn kỹ thuật quân y theo hướng “đi tắt đón đầu”, ưu tiên lĩnh vực ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và các chuyên ngành YHQS, nhất là y học hải quân, không quân... Đẩy mạnh trao đổi, hợp tác quân y các nước; tạo điều kiện để lực lượng quân y tiếp cận thành tựu tiên tiến của y học, YHQS trong khu vực và trên thế giới; nghiên cứu, sản xuất một số trang, thiết bị y tế sát loại hình tác chiến mới, trong đó có bơm tự động tiêm thuốc để nâng cao khả năng tự cứu chữa của bộ đội.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Trọng Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quân y, cho rằng: Trong chiến tranh hiện đại, chiến trường sẽ là các thành phố, các trung tâm kinh tế..., nên khi tác chiến xảy ra, lực lượng quân y làm nòng cốt, kết hợp huy động lực lượng y tế dự bị động viên trong KVPT. Do vậy, vấn đề BĐQY đặt ra không chỉ riêng ngành Y Quân đội, mà cả ngành y tế của các tỉnh, thành phố cần phối hợp chuẩn bị sẵn sàng phương án; huy động lực lượng y tế dự bị động viên tổ chức huấn luyện, diễn tập thường xuyên. Trong đó, khi tác chiến xảy ra, quân y đáp ứng cho các đơn vị, trung đoàn, sư đoàn bộ binh tiến công, phòng ngự trong KVPT... Để đáp ứng yêu cầu BĐQY cho bộ đội trong tình hình mới, đòi hỏi ngành Quân y cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo - nghiên cứu YHQS, với tinh thần cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo. Học viện Quân y đào tạo bác sĩ, dược sĩ quân y phải toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ BĐQY cho lực lượng binh chủng hợp thành, không quân, hải quân... chiến đấu.

Đề cập chiến lược phát triển, GS, TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng: Ngành y Quân đội cần quan tâm nghiên cứu khoa học tổ chức quân y ở cấp chiến lược và chiến thuật cho phù hợp tính chất của chiến tranh hiện nay. Chiến thuật chiến tranh, vũ khí, cách đánh đã thay đổi nhiều, thời gian tới, ngành Quân y cần nghiên cứu, bổ sung tổ chức quân y cho phù hợp, sẵn sàng các phương án BĐQY cho bộ đội trong mọi tình huống... Đồng thời, vấn đề chống độc, phòng độc diễn ra hàng loạt cần được nghiên cứu và có phương thức bảo đảm phù hợp.

Tuy nhiên, theo GS, TS Phạm Mạnh Hùng, khi y tế nước ta bước vào thời kỳ mới, đó là xây dựng một nền y tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, thì việc xác định cơ chế hoạt động của ngành Quân y phải được tiếp tục hoàn thiện. Trong khi y tế chung của cả nước đang thực hiện cơ chế thị trường, chúng ta cần dự báo đúng, ngăn ngừa mặt trái, đồng thời phát huy mặt mạnh của cơ chế này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành Quân y của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vẫn phải lấy mục tiêu phục vụ là chính yếu; khi thực hiện cơ chế thị trường, nếu ngành Quân y cũng nặng về tính toán lợi ích kinh tế trong các dịch vụ y tế, thì sẽ dẫn tới giảm sút, hoặc mất tính SSCĐ. Ngành Quân y cần có chiến lược phù hợp để “nuôi quân trong thời bình”.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 24-5-2017.

10 năm trở lại đây, ngành Quân y đã tham gia củng cố, nâng cao năng lực hoạt động cho 1.098 trạm y tế xã (có 697 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo); đào tạo hơn 8.000 nhân viên y tế thôn, bản; hơn 20.000 y tá, dược tá, dược sĩ và gần 3.000 bác sĩ cho ngành Y tế. Ngành đề xuất xây dựng và chỉ đạo đưa vào hoạt động ba trung tâm y tế quân - dân y huyện đảo, hơn 50 bệnh viện, bệnh xá, phòng khám đa khoa, phòng khám khu vực và gần 130 trạm y tế quân - dân y...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32965202-nang-cao-chat-luong-y-hoc-quan-su.html