Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, mới đây, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã tổ chức buổi tọa đàm 'Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở' với sự tham gia của đại diện CĐCS các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và trường học trên địa bàn huyện.

Hiệu quả tích cực

Báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Khanh- Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, xác định được điều này, thời gian qua, LĐLĐ huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo CĐCS thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các nội dung như: phối hợp tốt với chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ công chức và hội nghị người lao động đảm bảo đúng yêu cầu và tiến độ thời gian quy định; cùng với doanh nghiệp rà soát nội dung Thỏa ước lao động tập thể, các quy chế, nội quy trong cơ quan; hướng dẫn kiện toàn, bầu mới ban thanh tra nhân dân hết nhiệm kỳ ở các cơ quan khối hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, LĐLĐ huyện hướng dẫn CĐCS tổ chức đối thoại tại cơ sở, thực hiện có hiệu quả chương trình: “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” của Tổng LĐLĐ Việt Nam; quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ xây dựng và đăng ký nội quy lao động; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách tại các doanh nghiệp.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh chủ trì buổi tọa đàm

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh chủ trì buổi tọa đàm

LĐLĐ cũng chú trọng tuyên truyền Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngầy 9/1/2015 của Chính phủ về “Thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc”, tư vấn pháp luật cho người lao động, đặc biệt là người lao động trực tiếp sản xuất trong khối ngoài nhà nước và cán bộ CĐCS nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng đóng góp ý kiến của người lao động vào thỏa ước lao động tập thể cũng như nâng cao chất lượng đối thoại trực tiếp giữa người lao động, tổ chức CĐ và chủ sử dụng lao động.

Với những biện pháp nêu trên, việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Năm qua, 100% cơ quan khối HCSN và trường học đã tổ chức Hội nghị CBCC cơ quan; 67% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; 65,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước có thỏa ước lao động tập thể, 65% đơn vị khối ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 81,6% đơn vị có quy chế dân chủ, 100% đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học bầu Ban thanh tra nhân dân. Trong năm không xảy ra cuộc đình công, lãn công, khiếu kiện đông người nào tại các CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện quản lý.

Còn những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ý kiến của lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm và các đại biểu tại buổi tọa đàm cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức thực hiện Quy dân chủ cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện chất lượng còn chưa cao, hiệu quả chưa rõ nét.

Cụ thể, việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức khối xã, thị trấn còn mang tính hình thức, nhiều đơn vị còn lồng ghép nội dung nên không đảm bảo đúng quy trình. Hoạt động ban thanh tra nhân dân còn hình thức, một số nội dung về thực hiện quy chế dân chủ chưa được công khai thảo luận. Các doanh nghiệp ở địa bàn huyện chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân nên việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có lúc có nơi còn chưa được thực hiện đầy đủ nội dung, thực hiện lòng ghép nên chưa phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của người lao động. Thỏa ước lao động tập thể ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao đồng nghĩa với việc chưa bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động.

Đối với khối trường học, bà Lê Thị Thúy Hồng- Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch CĐ Giáo dục huyện Gia Lâm phản ánh, có tình trạng việc đăng ký thi đua tại một số trường chỉ mang tính hình thức, lấy lệ, không công khai, minh bạch các tiêu chí thi đua để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tìm hiểu, đăng ký. Điều này khiến có những cán bộ giáo viên, nhân viên đạt nhiều thành tích trong công tác nhưng do không biết, không đăng ký nên không đạt danh hiệu thi đua.

Đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

Trước những tồn tại, hạn chế như nêu trên, nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới, như CĐCS cần tiếp tục đổi mới hoạt động, thường uyên cập nhật các văn bản của nhà nước liên quan đến chế độ chính sách của người lao động; chủ động lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động để tham mưu, phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời.

Ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường chỉ đạo hoạt động ban Thanh tra Nhân dân, bám sát Luật Thanh tra nhân dân trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát về thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luậtcủa nhà nước, những nội dung công khai theo quy định tại cơ quan, đơn vị; các chế độ chính sách của nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Khanh Chủ tịch LĐLĐ huyện ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện các CĐCS. Lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động phát huy dân chủ cơ sở, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, các CĐCS cần tăng cường đôn đốc, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc đúng quy định...

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-45578.html