Nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của chi bộ

Một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"”.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, trong đó có yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt”. Chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chất lượng sinh hoạt tốt sẽ bảo đảm giữ vững và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ. Sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được thể hiện trước hết và chủ yếu thông qua chất lượng sinh hoạt. Sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phụ thuộc vào ý chí, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của từng cán bộ, đảng viên để chỉ ra và giúp đồng chí mình khắc phục yếu kém, phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái ngay trong bản thân mỗi đảng viên, trong tổ chức cơ sở đảng, cơ quan công tác, trong Đảng và trong xã hội, dũng cảm đấu tranh chống tư tưởng, quan điểm và hành động sai trái, thù địch. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng là nhân tố bảo đảm vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp đảng viên rèn luyện, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bởi “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.

Thực tiễn hoạt động của Đảng ta khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, góp phần quan trọng xây dựng Đảng vững mạnh, thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm... Nội dung sinh hoạt chi bộ đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng, chi bộ còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức, có quyền.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, củng cố chi bộ trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới; một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng chưa được thực hiện tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở chưa thường xuyên,… Trong đó có nguyên nhân quan trọng là chất lượng sinh hoạt, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ chưa cao; chưa có giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cấp ủy viên chưa thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, chưa thật sự tiên phong gương mẫu, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng. TỔ chức cơ sở đảng, chi bộ là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng. Vì vậy, để sớm đưa Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII vào cuộc sống, mỗi tổ chức cơ sở đảng, chi bộ cần không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu, làm tốt một số nội dung sau:

Trước hết là, nội dung sinh hoạt đảng phải thiết thực, tập trung bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, chú trọng những vấn đề bức xúc, các nội dung về xây dựng Đảng, nhất là về công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống.

Hai là, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được thực hiện thường xuyên trong các kỳ sinh hoạt của chi bộ, nhất là tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới. Làm tốt công tác này, chi bộ sẽ cung cấp, định hướng thông tin chính thống cho đảng viên, tránh các thông tin gây nhiễu trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Ba là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề phải được công khai, minh bạch, dân chủ, chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, độc đoán, dân chủ hình thức. Thực hiện tốt dân chủ sẽ phát huy tốt trí tuệ của toàn thể đảng viên, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong tổ chức cơ sở đảng, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh.

Bốn là, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; không xuê xoa, nể nang, nhưng với tinh thần đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ, phê bình việc, chứ không phê bình người. Động cơ phê bình phải trong sáng, thẳng thắn, trung thực, có ý thức xây dựng. Tự phê bình và phê bình góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Năm là, sinh hoạt chi bộ cần lồng ghép nội dung đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo Chỉ thị số 05, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị với phương châm học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động cụ thể. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khi thực hiện phải có phương thức đa dạng, phong phú phù hợp, tránh hình thức, chiếu lệ, để đảng viên cụ thể hóa thành việc làm thiết thực gắn với công tác chuyên môn.

Sáu là, nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cho đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư, phó bí thư. Tích cực biểu dương, động viên, có biện pháp nhân rộng những cách làm hay, nhân tố mới trong công tác xây dựng Đảng, tạo sức lan tỏa, nhân lên tinh thần đoàn kết, thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng Đảng; đồng thời cũng là một trong những biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ mỗi đảng viên, tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31289702-nang-cao-chat-luong-sinh-hoat-va-suc-chien-dau-cua-chi-bo.html