Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua sàng lọc sơ sinh

Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh" (SLTS&SS) hiện đã "phủ kín" 63/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại tỉnh Phú Yên, đề án này đã và đang phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, can thiệp sớm nhiều bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Đẩy mạnh phổ cập kiến thức

Mang ám ảnh về dị tật bẩm sinh với đứa con đang mang thai, đến tháng thứ 3 thai kỳ, chị Nguyễn Thị Mỹ ở thôn Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ Đông đến gặp chị Tạ Thị Sim là cộng tác viên dân số của thôn bày tỏ nỗi lo: "Tôi có đứa em ruột bị bệnh down, sống èo uột, trí tuệ kém phát triển rất tội nghiệp. Giờ tôi mang thai con đầu, dù vui mừng, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nơm nớp, băn khoăn, không biết con mình có bị bệnh tật bẩm sinh di truyền?. Tôi muốn biết có cách nào để phòng, tránh bệnh tật cho con". Nghe chị Sim tư vấn, phân tích về các đối tượng nằm trong diện có nguy cơ; phụ nữ mang thai có những nguy cơ gì cần tầm soát, chị Sương đã đến Trung tâm Bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh để khám và được hướng dẫn. Khi có kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy của thai và kết quả xét nghiệm máu, bác sỹ đã loại trừ các chứng bệnh do dị tật bẩm sinh, chị Sương mới yên tâm.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên tập huấn nghiệp vụ DS_KHHGĐ cho các cán bộ làm công tác dân số.

Bà Nguyễn Thị Rơi, Giám đốc Trung tâm Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Tây Hòa cho biết, cũng như chị Sim, hiện, 190 cộng tác viên dân số của Trung tâm đều biết cách tư vấn, hướng dẫn cho phụ nữ trong diện sinh sản hiểu biết về các bệnh tật, dị tật bẩm sinh và các bước tiến hành sàng lọc, ngăn ngừa dị tật.

Cũng theo bà Rơi, nếu trước đây, truyền thông dân số chỉ chủ yếu hướng vào lĩnh vực KHHGĐ nhằm hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số, thực hiện quy mô gia đình nhỏ có từ 1-2 con thì hiện nay, còn có thêm mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, trong nhiệm vụ này, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Hòa và cán bộ dân số của 11 xã trong huyện đã triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung, mục tiêu của đề án trong cộng đồng. Đối tượng hướng đến là các cặp vợ chồng có 1 đến 2 con, sinh con 1 bề, bà mẹ đang mang thai, bà mẹ mang thai có nguy cơ cao về tiền sử sinh con bị dị tật, dị dạng, người nghiện rượu, thuốc lá; nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn.

"Huyện Tây Hòa còn nhiều xã nghèo khó, người bị bệnh tật, trẻ bị mắc các dị tật, bệnh bẩm sinh tương đối cao. Đặc biệt, một số khu vực bị ảnh hưởng chất độc hóa học còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh. Vì thế, SLTS&SS được xem là chương trình hết sức giá trị và có ý nghĩa lớn lao trong việc loại bỏ bệnh tật, dị tật trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương" - Bà Rơi khẳng định.

Phát hiện, can thiệp sớm

Thạc sỹ Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên cho biết: Năm 2011, Phú Yên bắt đầu thực hiện "Đề án SLTS&SS". Thời gian đầu, chương trình tập trung vào hoạt động truyền thông với các phần việc như: Tập huấn kỹ năng, kiến thức cơ bản về SLTS&SS cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; thu thập thông tin về các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh; tổ chức tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia sàng lọc và tiến hành chương trình sàng lọc miễn phí thí điểm cho một số đối tượng trong diện.

Từ năm 2012 và giữa năm 2013, Chi cục chỉ đạo các trung tâm tiến hành lấy máu sàng lọc sơ sinh với số mẫu máu (gót chân trẻ sơ sinh) được 1.026 cháu. Mẫu được gửi tới Trung tâm SLTS&SS, Trường Đại học Y Dược Huế để làm xét nghiệm. Kết quả bước 1, nghi ngờ 22 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD và 33 trẻ mắc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Tất cả các trẻ nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD đã được đưa đi xét nghiệm lại lần 2 và được hướng dẫn đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để tiếp tục xét nghiệm, điều trị bệnh. Tại đây, mẹ của các cháu bé cũng được tư vấn cách theo dõi tình trạng bệnh tật, cho các cháu ăn uống hợp lý để ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Như Mai, cho biết thêm: Kết quả thống kê đối với sàng lọc sơ sinh cho thấy, tỷ lệ mắc hai bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh ở tỉnh Phú Yên chiếm khoảng 5% trẻ sơ sinh. Nếu không kịp thời phát hiện sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bị thiểu năng về trí tuệ. Với bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, khi được phát hiện và điều trị bổ sung lượng hormon giáp từ trong vòng hai tuần đầu, trẻ ra đời sẽ phát triển bình thường. Đối với trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD, gia đình và người mẹ được tư vấn để không sử dụng cho trẻ một số loại thức ăn, hóa chất, dược phẩm gây ra tình trạng bị thiếu men hoặc điều trị cho trẻ bị nhiễm trùng như thế nào để tránh gây tan hồng cầu. Điều này giúp trẻ hoàn toàn có cuộc sống bình thường.

Sàng lọc trước sinh là sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu đối với bà mẹ mang thai như siêu âm, xét nghiệm ối để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: Hội chứng down, hội chứng Ewards và dị tật ống thần kinh... Sàng lọc sơ sinh với thủ thuật thông thường hiện nay là lấy máu gót chân ngay khi đứa trẻ vừa ra đời xét nghiệm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền như: Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận dẫn đến thiểu năng trí tuệ, tan máu bẩm sinh dẫn tới trẻ tử vong sớm.

Đối với tầm soát trước sinh cho các bà mẹ, kết quả khảo sát ở quy mô nhỏ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên cho thấy, trong số 13.500 bà mẹ mang thai mỗi năm, chỉ có khoảng 6 - 8% phụ nữ mang thai (chủ yếu sống ở khu vực đô thị) thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Còn hầu hết phụ nữ sống ở vùng nông thôn khó khăn, sau khi được truyền thông, tư vấn, họ vẫn có mong muốn được xét nghiệm sàng lọc trước sinh, tuy nhiên chỉ sử dụng dịch vụ khi được miễn phí.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Như Mai, trong điều kiện của Chương trình Mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, năm 2013, chỉ có 26% trẻ sơ sinh tỉnh Phú Yên được xét nghiệm phát hiện hai bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh. Như vậy còn khoảng 74% trẻ sơ sinh trong năm 2013 không được sàng lọc sau sinh. Tức, khả năng sẽ có khoảng 520 trẻ mắc hai loại bệnh này nhưng không được phát hiện bệnh để tư vấn, điều trị kịp thời, khó tránh khỏi nguy cơ trẻ sinh ra bị bệnh tật, dị tật, suy giảm thể chất và tinh thần.

Phương Oanh

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/21716/Nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-qua-sang-loc-so-sinh/bbp.aspx