Nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn khu dân cư

ND - Chất lượng của tổ chức đoàn trên địa bàn dân cư từ lâu đã là một vấn đề, một điểm yếu của các cấp bộ đoàn trong cả nước. Trong quá trình tìm hiểu về hoạt động của chi đoàn khu dân cư tại Hà Nội và Đà Nẵng, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến cho rằng: càng xuống cơ sở thì càng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn. Do vậy, việc nâng cao chất lượng chi đoàn khu dân cư đang là nhiệm vụ được các cấp bộ đoàn quan tâm.

Khó khăn trong duy trì hoạt động Anh Đỗ Thanh Bình, Bí thư Đoàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khẳng định: Chắc chắn không có chuyện tổ chức đoàn khu dân cư bị "trắng" nhưng để duy trì và phát triển hoạt động của các chi đoàn là rất khó khăn. Không "trắng" về tổ chức nhưng có thể nói, ở một số nơi đã và đang "trắng" về hoạt động. Đây cũng là điều khiến Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm, Văn Anh trăn trở. Tuy là một đơn vị dẫn đầu trong mọi hoạt động của Thành đoàn Hà Nội, nhưng có không ít chi đoàn khu dân cư của quận Hoàn Kiếm đang gặp nhiều trở ngại trong việc duy trì tổ chức, hoạt động. Tại phường Phúc Tân có bảy chi đoàn khu dân cư, ba chi đoàn cơ quan, đơn vị và có tới 23 đảng viên trẻ đang sinh hoạt đoàn, giữ vị trí chủ chốt. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, theo Bí thư Đoàn phường Đỗ Thanh Bình, hoạt động của chi đoàn khu dân cư đang có dấu hiệu đi xuống. Trong số bảy chi đoàn, có khoảng 30% số chi đoàn hoạt động tốt, còn lại đang hoạt động cầm chừng. Khi chúng tôi bày tỏ ý định muốn gặp bí thư chi đoàn nơi đang gặp khó khăn trong hoạt động thì được biết, có người đã không liên lạc gì với Đoàn phường trong gần một năm nay, không tham gia các hoạt động tại địa phương do phải đi làm, phải lo toan cho cuộc sống riêng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đoàn phường khi mà BCH được bầu ra nhưng các ủy viên đều là các cán bộ, nhân viên trẻ tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy, họ phải lo toan cho cuộc sống, phải khẳng định vị trí tại nơi làm việc, cho nên không còn thời gian dành cho công tác đoàn ở khu dân cư cũng là chuyện đương nhiên. Ở phường Phúc Tân, có thời điểm, BCH Đoàn phường còn lại không đến 50% tổng số thành viên. - Bí thư chi đoàn, cán bộ đoàn còn "ngại" tham gia sinh hoạt đoàn thì đoàn viên còn "ngại" hơn? - Đúng vậy, ở một số khu dân cư, khi mời được bạn trẻ nào tham gia hoạt động đoàn, chúng tôi mừng lắm! Có lần, để đủ quân số tham gia một chương trình, tôi và các bí thư chi đoàn phải phân công nhau vào tận nhà đoàn viên đó để đón đi. Nhưng cũng chỉ được một, hai lần và chỉ đối với những hoạt động có tính giải trí, sôi nổi. Những buổi sinh hoạt đoàn thường kỳ, những buổi nghe nói chuyện chuyên đề thì rất ít bạn trẻ tham gia - Thanh Bình cho biết. - Chi đoàn khu dân cư không duy trì sinh hoạt đều đặn thì việc thu đoàn phí thế nào? Chúng tôi hỏi. - Phải đến bảy, tám năm nay, Đoàn phường chúng tôi không thể thu đoàn phí... Anh Bình trả lời. Tại thành phố Đà Nẵng, khi đề cập việc tìm hiểu thực tế một số chi đoàn khu dân cư đang gặp khó khăn trong hoạt động, Bí thư Thành đoàn Lương Nguyễn Minh Triết không ngần ngại cho biết ngay và nêu rõ, tìm hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở đoàn trong thành phố. Tuy vậy, không thể có kết quả trong "ngày một, ngày hai". Gặp chúng tôi tại khu dân cư thuộc phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Chi đoàn 15 thẳng thắn thổ lộ: Thực trạng chi đoàn của em là rất buồn. Ở chi đoàn có gần 50 bạn trẻ là đoàn viên nhưng hiện nay chỉ có ba người tham gia hoạt động, trong đó có một bí thư và một phó bí thư. - Đã 5 năm làm bí thư chi đoàn, chẳng lẽ, em bó tay với thực trạng này? - Đã không biết bao nhiêu lần em "gãy lưỡi" khi đi vận động các bạn trẻ tham gia sinh hoạt chi đoàn. Người thì kêu mệt, người thì nói thời điểm đó có việc của cơ quan, đơn vị...Buồn nhất là có những lần, các bạn đã nhận lời tham gia, bọn em đã kê bàn, kê ghế đầy đủ, trang trí đẹp mắt, nhưng đến giờ bắt đầu rồi mà cũng chẳng có ai đến. Nhiều lúc em nản lòng lắm! Các bạn trẻ bây giờ không có gì ràng buộc với Chi đoàn khu dân cư cho nên tập hợp họ rất khó khăn. Bí thư Đoàn phường Hòa Thuận Tây Lê Thành Nhân, cho biết: Tuấn Anh là một trong những Bí thư năng động, chịu khó nhất của Đoàn phường nhưng nhiều lúc cũng phải "chịu thua" trước những khó khăn của chi đoàn. Cả phường hiện có 11 chi đoàn và cả 11 chi đoàn này đều không thể hoạt động thường xuyên. Cùng đi với chúng tôi đến chi đoàn khu dân cư 15, anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Bí thư Quận đoàn Hải Châu, một trong những đoàn cơ sở mạnh nhất của thành phố Đà Nẵng, cho biết: Quận có 13 đoàn phường thì có tới bốn đoàn phường đang gặp rất nhiều khó khăn như Hòa Thuận Tây. Số đoàn viên, thanh niên không muốn tham gia sinh hoạt đoàn có thể lên tới hàng nghìn người. Những điểm sáng Khi nghe chúng tôi đề cập "chiếc nón lộn ngược" trong tổ chức, hoạt động của các cấp bộ đoàn, nhiều cán bộ đoàn cho rằng, ví như vậy chỉ đúng một phần bởi còn rất nhiều chi đoàn khu dân cư đang hoạt động tốt, hiệu quả. Các anh chị trong Ban Thường vụ Huyện đoàn Hòa Vang (Đà Nẵng) khẳng định chắc chắn, tại huyện, không có chuyện "trắng" chi đoàn và càng không có chuyện "trắng" trong hoạt động. Vấn đề là các chi đoàn hoạt động có nổi bật, có thiết thực hay không!? Theo sự chỉ dẫn của Huyện đoàn, chúng tôi tìm đến Chi đoàn thôn Quang Châu, xã Hải Châu, huyện Hòa Vang. Nằm ngay đầu đường dẫn vào thôn, có lẽ, Chi đoàn thôn Quang Châu là chi đoàn duy nhất trong thành phố Đà Nẵng và cả nước có trụ sở riêng với tổng diện tích khoảng... 200 m2. Chi đoàn thôn được "quản lý" trụ sở này từ năm 2002 với hai phòng rộng rãi, có thư viện, có bàn ghế, có điện thoại. Đặc biệt, chi đoàn còn lập một website riêng từ tháng 5-2009 tại địa chỉ http://tuoitrequangchau.co.cc để "tải" lên đó những hoạt động của mình. Trong khi ở những nơi khác rất khó khăn duy trì tổ chức thì Chi đoàn Quang Châu còn tiếp tục thành lập bốn phân đoàn cơ sở với bốn phân đoàn trưởng. Những hoạt động mà Chi đoàn Quang Châu làm được trong thời gian vừa qua được đánh giá cao. Đó là: sinh hoạt chi đoàn định kỳ không phải hằng tháng mà hằng tuần; sáng chủ nhật nào các đoàn viên cũng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường thôn; tổ chức Hội trại mùa hè tình nguyện thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên, thiếu niên tham gia; tổ chức Hội thi rung chuông vàng dành cho các em học sinh; cùng Hội Khuyến học của thôn tổ chức Đêm tôn vinh các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học tốt; xây dựng công trình Thanh niên bê-tông hóa mặt sân, xây dựng tường rào, cổng, ngõ trụ sở của chi đoàn; xây dựng Tủ sách thanh niên với gần 1.000 đầu sách và 500 truyện tranh dành cho các em thiếu nhi... Đáng chú ý, Chi đoàn có CLB Hiến máu nhân đạo, sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu và trong mấy tháng qua, các bạn trẻ nơi đây đã hiến được 25 đơn vị máu. Tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngay sát những chi đoàn gần như "trắng" hoạt động, vẫn có những chi đoàn đang duy trì tốt vai trò của mình đối với đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi. Không hẹn trước, chúng tôi đến trụ sở UBND phường Phúc Tân vào lúc 17 giờ chiều và được chứng kiến Đinh Diệu Linh, Bí thư Chi đoàn khu dân cư số 6 đang hướng dẫn các em thiếu nhi biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của chi đoàn trong những ngày hè. Cách đây ít hôm, Diệu Linh đã tổ chức buổi gặp mặt tất cả các bạn trẻ trên địa bàn khu dân cư để tìm hiểu nhu cầu, thời điểm rảnh rỗi của họ để từ đó có phương hướng tổ chức các chương trình sinh hoạt. Ngay trong những ngày hè này, Chi đoàn khu dân cư số 6 vừa tổ chức buổi sinh hoạt "Chào mùa hè" thu hút gần 50 đoàn viên, thanh niên và các em thiếu nhi tham gia. Tại đây, có những tiết mục văn nghệ, tiết mục giới thiệu-làm quen và nhiều trò chơi tập thể được tổ chức rất vui vẻ... Trên địa bàn có nhiều đối tượng thanh niên khác nhau cùng sinh sống, việc tổ chức, duy trì thường xuyên những hoạt động đoàn như vậy là một thành công rất đáng trân trọng của các bạn trẻ Phúc Tân. Cần quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ đoàn cơ sở Lý giải những yếu kém trong hoạt động đoàn của khu dân cư hiện nay, hầu hết các cán bộ đoàn cơ sở, các đoàn viên, thanh niên, các bí thư chi đoàn và bí thư chi bộ khu dân cư mà chúng tôi gặp, trao đổi ý kiến ở Hà Nội và Đà Nẵng đều có nhận định chung: Đối với thanh niên khu dân cư, điều quan trọng nhất mà họ đang lo lắng, dành thời gian, sức lực, trí tuệ là công việc, là lập nghiệp. Sau đó là đến gia đình, người thân, vui chơi, giải trí... Vì vậy, tổ chức đoàn, hội tại khu dân cư "gần như không còn chỗ đứng". Tất nhiên, cũng có những thanh niên nhiệt huyết với đoàn, nhưng lại dành tình cảm đó cho tổ chức đoàn ở cơ quan, đơn vị mình. Về nhà, họ chỉ muốn nghỉ ngơi... Đây là một thực tế và từ thực tế này cần có một cách nhìn nhận về sự yếu kém của các chi đoàn khu dân cư. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức đoàn có trách nhiệm chính trong việc các chi đoàn dân cư không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, chất lượng thấp. Nói như vậy chưa hẳn đúng. Vấn đề quan trọng là tổ chức đoàn không thể đủ thực lực và không có vai trò quyết định trong việc giúp thanh niên lập nghiệp mà chỉ có thể hỗ trợ, động viên, định hướng. Mối quan hệ giữa bạn trẻ với tổ chức đoàn ở nhiều nơi, nhất là ở khu dân cư là không có sự ràng buộc. Đây là một khó khăn khách quan và nó không đồng nghĩa với sự yếu kém của tổ chức đoàn các cấp. Trên thực tế, vai trò của cấp ủy chi bộ rất quan trọng đối với hoạt động của chi đoàn. Bí thư chi đoàn khu dân cư số 6, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm Đinh Diệu Linh và Trần Thị Minh Luận, Bí thư chi đoàn thôn Quang Châu đều khẳng định sự quan tâm của chi bộ, nhất là đồng chí Bí thư có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của chi đoàn. Các bác không chỉ giúp đỡ chi đoàn về nội dung hoạt động mà còn ủng hộ về kinh phí, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và thường xuyên quan tâm, đôn đốc Chi đoàn hoạt động. Không có buổi sinh hoạt nào của chi đoàn mà thiếu các bác. Đây là điều mà Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư chi đoàn khu dân cư 15 của phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng mong muốn nhưng không có được đầy đủ. Khi trao đổi ý kiến về hoạt động đoàn khu dân cư, các anh chị trong BCH Đoàn phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thừa nhận những khó khăn trong việc phát triển hoạt động nhưng cho biết, trên địa bàn phường, hầu hết các bí thư chi bộ là cán bộ quân đội về hưu cho nên các bác rất quan tâm đến hoạt động của tổ chức đoàn. Nhờ vậy, phường Hàng Mã không có tình trạng "trắng" hoạt động của chi đoàn khu dân cư. Như vậy, có thể khẳng định, chi bộ khu dân cư có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các chi đoàn. Hiện nay, để nâng cao chất lượng chi đoàn khu dân cư, các cơ sở đoàn đã và đang triển khai nhiều biện pháp khác nhau. Ở phường Phúc Tân, Bí thư Đỗ Thanh Bình đang khẩn trương cùng các bác Bí thư chi bộ tổng hợp danh sách đoàn viên trong độ tuổi để rà soát, nắm lại thực chất tình hình và nhu cầu của các bạn trẻ. Tại phường Hòa Thuận Tây, đồng chí Phan Văn Trí, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Từ nay đến cuối năm, Đảng ủy sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về việc nâng cao chất lượng chi đoàn khu dân cư. Hiện nay, để phục vụ hội nghị này, Đảng ủy đang triển khai rà soát thực chất số lượng và tình hình thanh niên trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Bí thư Quận đoàn Hải Châu cho rằng, muốn thanh niên gắn bó, "ràng buộc" với chi đoàn khu dân cư, nhất định phải có nguồn kinh phí dành cho họ. Tuy nhiên, Quận đoàn Hải Châu chưa bao giờ có nguồn vốn vay lập nghiệp dành cho thanh niên khu dân cư. Nhận thấy thực trạng chi đoàn khu dân cư đang gặp khó khăn, cách đây hơn một năm, Thành đoàn Hà Nội đã thành lập 577 đội sinh viên tình nguyện về 577 khu dân cư để khảo sát và thăm dò ý kiến của thanh niên và các tầng lớp nhân dân, để từ đó có những tham mưu và phương hướng hoạt động phù hợp, đúng và trúng. Gần đây nhất, trong khi chờ đợi kết quả của cuộc khảo sát, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã quyết định cử hai Phó Bí thư Thành đoàn thường xuyên đến sinh hoạt với cơ sở, đặc biệt là tham gia hoạt động với chi đoàn khu dân cư để tiếp tục tìm hiểu những khó khăn, trở ngại. Chất lượng hoạt động của chi đoàn khu dân cư còn phụ thuộc vào sự năng động, quyết tâm vượt khó của đội ngũ bí thư chi đoàn. Đây là những cán bộ đoàn cơ sở cần được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa trong bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn thể; tăng mức phụ cấp... Ngoài ra, các cán bộ đoàn cấp trên cần đến với thực tế hoạt động của chi đoàn nhiều hơn, cùng sinh hoạt đoàn, cùng trăn trở với những khó khăn của cơ sở; loại bỏ kiểu làm việc hình thức, "chuồn chuồn đạp nước" để rồi không có hiệu quả thiết thực. Chủ trương hướng về cơ sở của tổ chức đoàn cần được cụ thể hóa bằng những chương trình, việc làm cụ thể, chi tiết, tránh hiện tượng "tập trung cho cơ sở" chỉ được thể hiện trên những công văn, giấy tờ của đoàn cấp trên gửi xuống đoàn cấp dưới và không được triển khai trong thực tế cuộc sống... Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp những cán bộ đoàn tỏ ý dè dặt khi đề cập về thực trạng của chi đoàn khu dân cư. Có người cho rằng, hiện nay đang trong thời gian Đại hội Đảng các cấp và đây là vấn đề "chưa nên thông tin". Theo chúng tôi, nếu còn tồn tại suy nghĩ này trong một bộ phận cán bộ đoàn thì sẽ kéo theo những con số thành tích, tô hồng về hàng trăm nghìn chi đoàn mạnh, chi đoàn tiên tiến, chi đoàn xuất sắc... được các cơ sở đoàn công bố vào cuối năm trong báo cáo gửi lên cấp trên. Và như vậy, chất lượng của tổ chức đoàn cơ sở, nhất là chi đoàn sẽ còn tiếp tục "dẫm chân tại chỗ".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=180624&sub=127&top=39