Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới

Cách đây 81 năm, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết đã ghi rõ: Trong các đảng bộ phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động như: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, mặt trận phản đế.

Từ đó, ghi dấu ngày ra đời công tác dân vận của Đảng, mở ra một trang mới, một mốc son chói lọi, vẻ vang trong sự nghiệp công tác dân vận của Đảng.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm công tác vận động quần chúng. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang. Tiếp đó, trong những năm xây dựng CNXH ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tổng kết từ thực tiễn, với sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Đường lối đổi mới đã thể hiện rõ "ý Đảng" hợp với "lòng dân", được nhân dân đồng tình hưởng ứng và sáng tạo thực hiện trong cuộc sống. 81 năm qua, công tác dân vận của Đảng đã đạt được những thành tích to lớn, luôn tạo ra sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Những thành tích đó đã góp phần giúp cho Đảng ta tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng ta là đảng cầm quyền, do vậy để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm dân chủ rộng rãi, phải thực sự mở rộng dân chủ trong Đảng để đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Phát huy dân chủ trong Đảng, tổ chức đảng viên lãnh đạo quần chúng đưa đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực cuộc sống là yêu cầu tất yếu, là thể hiện dân chủ trong Đảng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở và pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội, phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là biểu hiện cụ thể về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống ở cơ sở. Công tác dân vận phải thực sự đóng góp vào việc phát huy dân chủ, vận động nhân dân tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", để tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước mở rộng quan hệ đối ngoại, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước và có những chính sách để tạo điều kiện giúp đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên, thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng ta khẳng định: "Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang". Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc, của các cấp, các ngành một cách sâu rộng trên cả nước, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của chính quyền trong công tác dân vận.

Dân vận là khoa học nhưng cũng là nghệ thuật chính trị nhằm vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân xây dưng khối đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần tích cực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

DƯỚI sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác dân vận; thực hiện phong cách dân vận: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận; cử những cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt và có kinh nghiệm làm công tác dân vận. Phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, làm cho nhân dân thật sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Cần kết hợp thật tốt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với chương trình hành động về công tác dân vận và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới, tạo sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Ủy viên T.Ư Đảng,

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/nang-cao-ch-t-l-ng-hi-u-qu-cong-tac-dan-v-n-c-a-ng-trong-th-i-k-m-i-1.316531