Nạn nhân chứ không phải bệnh nhân

Báo chí truyền thông (báo, đài, tivi) phản ánh những vụ việc xảy ra trong cuộc sống, trong xã hội, phải nói chính xác đối tượng, sự kiện, thông qua việc dùng từ chuẩn xác.

Chiếc xe chở các cán bộ EVN đi công tác bị tai nạn - Ảnh: Báo TN

Vừa rồi xảy ra vụ chiếc xe của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chở đoàn cán bộ đi công tác không may lao xuống vực tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), tất cả đều bị thương nặng, phải đưa vào bệnh viện cứu chữa, nhiều báo đều thông tin. Tuy nhiên, hầu hết các báo, kể cả những tờ to, khá chuẩn mực về tiếng Việt lâu nay... đều gọi các nạn nhân là bệnh nhân.

“Bệnh” theo Từ điển tiếng Việt, nếu xét ở góc độ y học thì để chỉ trường hợp cơ thể con người bị hư hỏng, suy yếu, trục trặc một hoặc vài bộ phận gì đó, do nhiều nguyên nhân như già yếu, thời tiết, vi rút vi khuẩn xâm nhập… Bệnh nhân tức là người bị bệnh, được đưa vào bệnh viện (cơ sở khám và điều trị bệnh) chạy chữa.

“Nạn” tức là trường hợp, hiện tượng thiên nhiên hoặc xã hội xảy ra gây thiệt hại cho con người, được gọi chung là tai nạn, ví dụ như sét đánh, mưa lũ, cháy nổ, chìm tàu, đánh nhau, tai nạn giao thông, chiến tranh... Nạn nhân là người bị nạn. Ta thường nói “nạn nhân chiến tranh”, “nạn nhân lũ lụt”… Trong trường hợp cụ thể xe của EVN nói trên, những người ngồi trên chiếc xe bị lao xuống vực đều là nạn nhân.

Theo thói thường, theo cách suy nghĩ của người trong nghề y, bất cứ ai vào bệnh viện để chữa trị đều là bệnh nhân (người bệnh). Họ gọi như vậy cho nó tiện, không phân biệt đối tượng này nọ. Tôi nhớ hồi năm 1978 thì phải, có một tên cướp bị công an bắn què, được đưa vào chữa trị tại Bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM. Công an đưa kẻ bị bắn vào, bảo với bác sĩ, nó là thằng ăn cướp, các anh chữa thế nào thì chữa. Giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, một trí thức nổi tiếng của Sài Gòn, khi đó là Giám đốc bệnh viện bước ra nói với công an rằng đây là việc của chúng tôi, những người thầy thuốc, chứ không phải của các anh. Người ta vào bệnh viện thì là "bệnh nhân", y đức của người thầy thuốc không phân biệt bệnh nhân là ai. Với các anh nó là kẻ cướp, với chúng tôi nó là bệnh nhân.

Kể lại chuyện trên để thấy ngành y họ quan niệm vậy, theo y đức, nhưng các ngành khác thì không thế. Báo chí truyền thông phản ánh những vụ việc xảy ra trong cuộc sống, trong xã hội, phải nói chính xác đối tượng, sự kiện. Xe chở đoàn cán bộ EVN đang đi công tác, xe bị nạn nên những người ngồi trong xe đều là nạn nhân (người bị nạn). Khi họ được đưa vào bệnh viện để chạy chữa thì trong mắt bác sĩ đó là những bệnh nhân, còn trong mắt nhà báo phải là nạn nhân. Họ không có bệnh tật gì, họ chỉ vào bệnh viện do bị nạn. Không chữa bệnh, mà chỉ chữa vết thương do tai nạn gây nên.

Không chỉ vụ này, hầu hết những vụ người bị nạn khi báo chí phản ánh đều bị gọi sai như vậy.

Nguyễn Thông

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/tieng-viet-toi-yeu-c-164/nan-nhan-chu-khong-phai-benh-nhan-60430.html