'Nắn' lãi suất cho vay tiêu dùng

Sau một thời gian dài “lặng sóng”, dự thảo Thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được “tái khởi động” lấy ý kiến góp ý. Bản dự thảo này đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn với kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Không nên khống chế lãi suất vay tiêu dùng bằng luật lệ hành chính. Ảnh: ST.

Tự thỏa thuận

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Có một số công ty tài chính áp dụng lãi suất cho vay cao, dẫn đến những bức xúc trong dư luận và người dân. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia, là do vay tiêu dùng tại các công ty tài chính thường hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu các khoản vay giá trị nhỏ nên mức độ rủi ro cao. Do đó, các công ty này phải áp dụng lãi suất cao để bù vào các khoản chi phí. Hơn nữa, lãi suất cao cũng không ngoại trừ sự len lỏi của “tín dụng đen”.

Cách đây không lâu, dư luận được một phen xôn xao khi từ ngày 1-1-2017, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra quy định trần lãi suất 20% trong hoạt động cho vay dân sự khiến nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất cho vay tiêu dùng cũng sẽ bị áp dụng mức trần 20%. Điều này mặc dù giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay dân sự, trong đó có vay tiêu dùng còn nhiều “bát nháo” hiện nay nhưng lại không đúng với quy luật của nền kinh tế thị trường.

Sau đó, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho hay, để triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có liên quan đến hoạt động ngân hàng, NHNN dự kiến quy định cụ thể về lãi suất cho vay trong Thông tư cho vay (thay thế Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng).

Vì thế, trong điều 16 của dự thảo Thông tư về cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, NHNN đã không quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Theo đó, dự thảo Thông tư cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp khách không trả đúng hạn, tiền lãi vay chậm theo mức lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.

Theo lý giải của NHNN, việc để các công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay tiêu dùng để hạn chế dư luận bức xúc về lãi suất trong thời gian qua, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, sự phát triển lành mạnh, bền vững hoạt động cho vay tiêu dùng.

Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây thực sự là “bước ngoặt lớn” thể hiện quan điểm cấp tiến từ phía NHNN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó, tín dụng tiêu dùng là nhu cầu thiết yếu để nâng cao đời sống của người dân. Hơn nữa, việc áp trần lãi suất sẽ gây khó cho các công ty tài chính bởi mức này rất thấp so với lãi suất hiện hành, không đủ bù đắp chi phí vận hành và quản lý rủi ro của các tổ chức này.

Cần sát thực tế hơn

Để tránh những mập mờ, dự thảo yêu cầu trước khi ký hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp và giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực cho khách hàng hiểu được các thông tin liên quan. Trong đó, phải có tối thiểu các thông tin lãi suất cho vay được tính theo tỉ lệ %/năm, các loại phí liên quan đến khoản vay tiêu dùng và mức phí áp dụng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, đồng thời cho khách hàng biết tổng số tiền lãi cũng như các mức phí mà khách hàng vay phải trả trong suốt thời hạn vay.

Theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, việc cho vay vốn hiện nay vẫn chưa đồng bộ, hệ thống tài chính của nước ta chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Chính vì thế, người dân mới tìm đến “tín dụng đen”, khiến lãi suất cho vay tiêu dùng vọt lên mức “cắt cổ”.

Cùng với đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng đã được “mở cửa”, nhưng lãi suất tại các tổ chức phi tín dụng vẫn sẽ bị khống chế mức trần 20% theo Bộ luật Dân sự. Mức này được hiểu là để tránh rủi ro cho người dân khi lao vào vay nóng tại “tín dụng đen”, nhưng việc này vẫn không tuân theo quy luật thị trường khi quản lý lãi suất bằng biện pháp hành chính. Hơn nữa, các cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát được tất cả các tổ chức phi tín dụng đang cho vay ở mức lãi suất bao nhiêu.

Do đó, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức nhận định, bên cạnh việc đưa ra các cơ chế quản lý chặt chẽ bằng văn bản pháp luật, các cơ quan quản lý cần có biện pháp phát triển hệ thống công ty tài chính, bởi đây là hệ thống bổ sung hiệu quả cho các ngân hàng thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng. Cải thiện đồng bộ cả hệ thống, nâng cao chất lượng tiếp cận tín dụng thì lãi suất cho vay tiêu dùng mới có thể có điều kiện giảm về mức hợp lý.

Nhìn chung, các quy định về cho vay tiêu dùng theo dự thảo Thông tư của NHNN nếu được thực thi sẽ giúp tạo ra bức tranh mới, tươi sáng hơn cho hoạt động tín dụng tiêu dùng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cơ quan Nhà nước phải tuyên truyền, cảnh báo người dân tránh xa “tín dụng đen”, hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Hoạt động cho vay phải khống chế bằng hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, không nên khống chế bằng luật lệ hành chính cứng nhắc bởi “bịt đầu này sẽ phình ra ở đầu kia”.

Có thể nói, tín dụng tiêu dùng cần được khuyến khích một cách hợp lý, đây cũng là một cách để góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, NHNN và các cơ quan quản lý cần đưa ra những chế tài phù hợp hơn, sát với thực tế của người dân và hoạt động của các công ty tài chính để thúc đẩy sự phát triển chung của nền tài chính – ngân hàng.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nan-lai-suat-cho-vay-tieu-dung.aspx