Nan giải xử lý vi phạm đê điều

Cơ quan thường trực quản lý và bảo vệ đê điều tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên tổ chức phối hợp với chính quyền các địa phương có đê tiến hành kiểm tra xử lý, các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Các đoàn công tác đã phát hiện, lập biên bản, xử lý hàng trăm vụ. Tuy nhiên, số vụ tồn đọng cũng còn rất nhiều mà việc xử lý dứt điểm gặp không ít khó khăn.

Vi phạm nhiều

Thái Nguyên hiện có 6 tuyến đê với tổng chiều dài gần 50km trải dọc theo bờ hữu sông Cầu và bờ tả sông Công. Đi kèm hệ thống đê, có 17 kè lát mái và 5 kè mỏ hàn cứng, 21 cống tiêu thoát lũ dưới đê.

Tình trạng lấn chiếm hành lang, vi phạm pháp luật về đê điều vẫn còn nhiều, đòi hỏi nỗ lực giải quyết của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên

Hệ thống đê có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho các khu dân sinh, kinh tế, khu công nghiệp của Trung ương và địa phương, các cơ sở quốc phòng và hàng nghìn héc ta đất canh tác cho thành phố Thái Nguyên và 2 huyện Phú Bình, Phổ Yên... Tuy nhiên, thời gian qua, tại các tuyến đê trên đã xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua và đặc biệt là trong năm 2015, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác kiểm tra và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều.

Đơn cử như việc xây dựng nhà tạm, lợp mái tôn trong hành lang đê Mỏ Bạch, tại Km0 + 600 thuộc địa phận phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) của gia đình ông Nguyễn Hồng Kiểm. Tại Biên bản xử phạt vi phạm Luật Đê điều ngày 21/5/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã yêu cầu ông Kiểm phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên trước ngày 23/5/2015.

Tương tự, vụ việc ông Nguyễn Đắc San (xóm Sộp, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ) xây nhà tạm trái phép trong hành lang bảo vệ tuyến đê Gang Thép (tại km 4 + 960) cũng đã được Đoàn Kiểm tra lập Biên bản xử lý vi phạm vào ngày 19/10/2015 và yêu cầu gia đình phải tháo dỡ toàn bộ công trình nêu trên.

Trên địa bàn TX Phổ Yên có tổng số trên 31km đê, trong đó tuyến đê Chã dài trên 10km, đê Sông Công dài 7,6km, đê Tiên Phong dài gần 11km và đê kè Đô Tân - Vạn phái dài 2,55km. Bên cạnh việc vi phạm về vượt quá tải trọng trên đê, ở một số nơi, người dân xây dựng các công trình vào mái, hành lang đê, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình điều.

Đổ đất lấp sông, dựng công trường để khai thác cát sỏi trên sông Cầu

Trường hợp của bà Vũ Thị Thanh (xóm Chùa 2, xã Thuận Thành) là một ví dụ. Gia đình bà Thanh đã xây dựng công trình trên mái đê tại km9 + 100, tường móng 22cm dọc theo đê 6m, hai tường vuông góc với đê, mỗi tường dài 2m với tổng diện tích 12m2, chiều cao móng 0,8m.

Sau khi phát hiện, tháng 8/2015, Hạt Quản lý đê cùng chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu bà Thanh dừng ngay việc thi công, đồng thời tháo dỡ, hoàn trả lại hiện trạng đê ban đầu.

Ngoài trường hợp bà Thanh, theo thống kê của Hạt Quản lý đê Phổ Yên thì trên địa bàn TX Phổ Yên còn có nhiều trường hợp vi phạm hành lang đê, chủ yếu là người dân xây dựng tường rào, trụ cổng, công trình phụ, làm mái hiên, trái vẩy, lều quán vào mái, hành lang đê. Ngoài ra, có trường hợp tập kết rác thải trên hành lang đê, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…

Xử lý hạn chế

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB Thái Nguyên cho biết, những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng vi phạm cố tình làm lều, quán, xây dựng tường rào, làm mái hiên... trong hành lang bảo vệ đê. Cá biệt có một số trường hợp xây dựng công trình kiên cố, đổ rác thải trong hành lang bảo vệ đê, kè, cống ảnh hưởng đến an toàn công trình đê, đặc biệt là khi có mưa, lũ xảy ra.

Thống kê từ năm 2007 - 2015, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số 517 vụ vi phạm, số vụ xử lý là 232 vụ, tồn 285 vụ. Thực hiện kế hoạch giải tỏa hành lang đê của UBND tỉnh Thái Nguyên vào tháng 9/2015, tính đến đầu năm 2016, có 406 vụ vi phạm, giải tỏa được 226 vụ, còn tồn 180 vụ.

Trong đó, tại 3 địa phương được chọn thực hiện điểm giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều năm 2015 là xã Hà Châu (huyện Phú Bình), xã Đông Cao (TX Phổ Yên), phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) thì xã Hà Châu thực hiện đạt kết quả tốt nhất với 113/113 vụ vi phạm được giải tỏa.

Đổ đất lấp sông, dựng công trường để khai thác cát sỏi trên sông Cầu

Trong khi đó tại xã Đông Cao, dù chỉ có 16 trường hợp vi phạm nhưng mới có 1 hộ tự tháo dỡ toàn bộ, 12 hộ tháo dỡ 1/5 đến ½ diện tích vi phạm; thậm chí phường Quang Trung còn chưa có con số thống kê cụ thể

Một thực tế nữa là do tồn tại từ quá khứ, các khu dân cư, cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Pháp lệnh Đê điều nên gây khó khăn cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc giải tỏa, di dời các công trình vi phạm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tư xây dựng tại các tuyến đê trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, phường nơi có các tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật: Ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết nên dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới.

Ở một số vụ vi phạm khác, mặc dù đã có chế tài, hướng dẫn, nhưng chưa có trường hợp nào bị các địa phương xử phạt hành chính về lĩnh vực đê điều...

Vấn nạn khai thác cát sỏi

Tình trạng cát tặc lộng hành và ngay cả những mỏ khai thác cát được cấp phép có nguy cơ lớn đối với an toàn đê điều trên địa bàn Thái Nguyên. Đi dọc sông Cầu qua 5 huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tận mắt được chứng kiến những khu vực lòng sông bị tàn phá bởi tàu hút cát. Có những đoạn sông bị công trường khai thác cát sỏi làm biến dạng hoàn toàn. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra trong nhiều năm qua đang bức tử sông Cầu. Dòng chảy bị thay đổi.

Trong khi đó, tại những vị trí mỏ cát được cấp phép thì việc ảnh hưởng đến an toàn đê điều cũng dễ dàng nhận ra. Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, trên các tuyến đê Hà Châu, đê sông Công và đê Chã, tình hình khai thác cát sỏi và các phương tiện vận chuyển đi trên đê của các đơn vị, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác kinh doanh, thăm dò có xu hướng gia tăng làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn công trình và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.

Đổ đất lấp sông, dựng công trường để khai thác cát sỏi trên sông Cầu

Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã đưa ra 2 trường hợp cụ thể. Thứ nhất, trên tuyến đê sông Công là Cty TNHH Đại Hữu và Dầu khí. Thứ hai là Cty TNHH Khai khoáng Dũng An Phát trên tuyến đê Hà Châu. Mặc dù, tính đến tháng 4/2016, thời gian cấp phép khoan thăm dò đã hết hạn nhưng Cty Dũng An Phát vẫn tiếp tục khai thác cát sỏi, vận chuyển đi trên đê. Trong khi đó, một số vị trí khai thác chỉ còn cách chân đê 42m (trong khi đó vị trí cấp phép nơi gần nhất cách chân đê phải là 70m).

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB Thái Nguyên cho biết: "Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để bảo an toàn cho tính mạng, tài sản cả người dân... cần được thực hiện kiên quyết, triệt để. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiến hành giải tỏa các công trình trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị. Đối với các công trình nhà ở riêng biệt không thuộc khu dân cư tập trung, xử lý giải tỏa theo hành lang bảo vệ đê 25m, tính từ chân đê trở ra.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền cấp huyện và cấp xã, nơi có tuyến đê đi qua tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật đê điều và phòng, chống lụt bão; tiếp tục triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật đê điều đối với các phường, xã có đê...".

Cùng với những giải pháp trên, để công tác quản lý đê điều được thuận lợi, các cấp, ngành liên quan của tỉnh cần xem xét bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật về đê điều đến từng hộ dân, trường học nơi có các tuyến đê đi qua; huy động lực lượng công an trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là trong việc xử lý khai thác cát sỏi trái phép khu vực giáp danh với tỉnh Bắc Giang và Hà Nội.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nan-giai-xu-ly-vi-pham-de-dieu-post178159.html