Nam sinh sáng chế máy chống ngủ gật vì muốn giảm TNGT

Mỗi ngày, thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm, một nam sinh lớp 12 của trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã mày mò nghiên cứu và sáng chế thành công ra chiếc máy chống ngủ gật, nhằm giúp các tài xế tránh được những vụ TNGT đáng tiếc.

Nhân vật mà Dân Việt đề cập tới ở đây là em Nguyễn Ngọc Đức (học sinh lớp 12C1), trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên, vừa đoạt giải Nhì trong “Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT” toàn quốc vừa qua.

Được biết, Nguyễn Ngọc Đức là con trai cả trong một gia đình có 3 anh em, ở xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương. Bố Đức làm thợ xây dựng, mẹ làm nghề cắt tóc và bán hàng tạp hóa ở quê.

Em Nguyễn Ngọc Đức đang giới thiệu về máy chống ngủ gật.

Khi biết Đức đoạt giải cao trong “Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT”, nhiều người dân trong làng đã kéo đến nhà em để chúc mừng và nghe em kể về ý tưởng sáng tạo của mình. Đức cho biết, ý tưởng sáng chế ra máy chống ngủ gật xuất phát từ việc xem truyền hình thấy rất nhiều vụ TNGT thương tâm, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tài xế ngủ ngật. Vì vậy, em muốn làm ra một cái máy chống buồn ngủ để giảm thiểu các vụ TNGT.

“Khi có ý tưởng này, em đã trình bày với thầy giáo Lê Ích Tâm (thầy giáo dạy tin học). Được thầy giáo ủng hộ, nên hai thầy trò bắt tay vào công việc sáng chế. Thế nhưng, khi em nói với bố, mẹ thì ai cũng phản đối, mà muốn em tập trung học văn hóa. Em phải thuyết phục mãi, bố mẹ mới đồng ý cho em dành thời gian vào công việc này”- Đức chia sẻ.

Sau 7 tháng kiên trì tìm tòi, mày mò nghiên cứu, đến tháng 11.2015, Đức đã tự làm ra được sản phẩm theo ý tưởng của mình. Khi sản phẩm hoàn thành, thầy giáo Lê Ích Tâm động viên Đức đưa đi dự thi và đoạt giải Nhất cấp tỉnh. Tuy nhiên, để dự thi cấp quốc gia, Đức còn phải hoàn thiện hơn nữa chiếc máy do mình sáng chế ra. Do đó, em đã dành thời gian để tập trung sáng chế và hoàn thiện các chi tiết của sản phẩm, như: Nâng cấp giao diện xử lý ngôn ngữ bằng song ngữ Việt- Anh, để phù hợp cho cả người nước ngoài sử dụng. Bên cạnh đó, em còn bổ sung phần giọng nói để tránh tình trạng khi báo động lái xe bị giật mình.

Chiếc máy chống ngủ gật của Đức được em thiết kế theo mô hình của một chiếc máy tính thu nhỏ, bao gồm: Phần cứng và phần mềm. “Phần cứng của máy, gồm một máy tính mini, một bộ xử lý cho màn hình; phần mềm được lập trình theo ngôn ngữ Cshap, có sử dụng mã nguồn mở và một số thư viện historam về nhận dạng ánh mắt và khuôn mặt. Nhưng khó khăn nhất là thiết lập phần mềm Cshap. Vì, trong chương trình học của nhà trường, chúng em không được học, nên em phải lên mạng tìm tòi, học hỏi”- Đức lý giải.

Cũng theo tác giả của chiếc máy chống buồn ngủ, nguyên lý hoạt động của máy chống buồn ngủ là: Khi camera của màn hình thu hình con người, thì bộ xử lý sẽ nhận diện ra điểm khác biệt trên khuôn mặt đâu là mắt, mũi, tai… từ đó, nó sẽ tìm ra được ánh mắt qua biểu đồ ánh sáng để phân biệt độ sáng, tối của mắt. Khi máy thu được các tín hiệu đó, nó sẽ phân biệt người lái xe đang thức hay đang ngủ. Sau khi đã nhận dạng được ánh mắt, bộ xử lý sẽ tiếp tục đưa ra các trường hợp để xử lý. Từ đây, máy sẽ phát ra giọng nói cảnh báo từ phần mềm đã cài sẵn: Ví dụ: “Bạn đang trong trạng thái không tập trung, đề nghị tập trung lại”. Sau khi phát ra giọng nói, máy tiếp tục cảnh báo bằng còi báo động.

Được hỏi về mong muốn của mình, Đức tâm sự: “Nếu có cơ hội em, sẽ cải tiến phần cứng có thể lập trình trực tiếp trên các mao mạch, nâng cao tốc độ xử lí và sử dụng các webcam chống rung, giúp cho lái xe dễ dàng sử dụng khi di chuyển trên đường”...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/cong-nghe/nam-sinh-sang-che-may-chong-ngu-gat-vi-muon-giam-tngt-726349.html