Nam sinh 14 tuổi hành hung thầy giáo bị xử lý ra sao?

Trong khi bố Công đang làm việc với thầy giáo chủ nhiệm thì Công cầm gạch hành hung khiến thầy giáo chủ nhiệm bị chảy máu đầu. Hành vi của Công bị xử lý ra sao khi Công mới 14 tuổi?.

Cậu con trai ngỗ ngược

Vợ chồng anh Hùng, chị Hoa ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) có cậu con trai tên Công 14 tuổi. Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, cộng với tâm sinh lý đang trong quá trình thay đổi, Công khiến bố mẹ gặp nhiều phiền toái.

Vốn được nuông chiều từ bé, Công muốn gì được đó, vì thế tính tình của Công rất ngang bướng. Từ bé, Công đã thích gây gổ với các bạn không chỉ trong xóm mà cả ở trường học. Ở cấp học nào, giáo viên chủ nhiệm cũng phải than trời về độ bướng của Công. Tuy nhiên do bận việc ở công ty nên bố mẹ Công phó mặc sự quản lý giáo dục cháu cho ông bà nội.

Một phần ông bà nội đã già, một phần vì Công là cháu “đích tôn” nên ông bà nội Công có phần cưng chiều thái quá. Mỗi lần nhận được phản ánh của giáo viên về Công, ông bà chỉ xuề xòa cho rằng, Công chỉ hiếu động và nghịch ngợm một chút.

Công bị xử lý sao khi hành hung thầy giáo của mình?. (Ảnh TL)

Các thầy cô giáo khó tính cứ “bắt nạt” cháu của ông bà. Vì thế, nhiều lần ông bà nội Công lên làm việc với giáo viên cũng hứa quyết tâm về dạy bảo cháu đến nơi đến chốn. Nhưng về nhà, chuyện đâu lại vào đấy. Nhiều lần Công quậy phá, vi phạm kỷ luật của nhà trường, bị kỷ luật nhưng không có chuyển biến, nhà trường đã thông báo tới anh Hùng và chị Hoa. Đang làm việc tại miền Nam, nghe tin con quậy phá, anh Hùng tức tốc về quê để “dạy bảo” con.

Theo lịch hẹn của thầy Nhâm, giáo viên chủ nhiệm lớp Công, sáng ngày 3/11, anh Hùng đến trường làm việc. Khi anh vừa ngồi trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm tại phòng họ vắng người thì Công ở đâu chạy tới. Không nói không rằng, Công cầm viên gạch mang theo ném về phía thầy Nhâm. Do bất ngờ thầy Nhâm không kịp tránh, viên gạch sượt qua trán, gây chảy máu. Sau khi gây ra vụ việc, Công bỏ chạy. Thầy Nhâm được anh Hùng và một số giáo viên khác đưa vào cơ sở y tế khâu vết rách.

Anh Hùng rất giận Công vì dám hỗn hào với thầy giáo chủ nhiệm khi có mặt phụ huynh ở đó. Mặc dù anh Hùng đã thay mặt con xin lỗi thầy Nhâm và được thầy đồng ý tha lỗi, nhưng vụ việc vẫn được nhà trường báo lên công an. Anh Hùng không biết liệu con mình có bị xử lý hình sự khi gây thương tích cho thầy Nhâm không?

Học sinh đánh thầy là vi phạm đạo đức và pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt là "tôn sư trọng đạo", người xưa thường nói: "Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", "Không thầy đố mày làm nên...". Vì vậy, mọi hành vi hỗn hào, vô lễ với người thầy đều bị dư luận xã hội lên án, cười chê.

Dưới góc độ pháp luật thì hành vi dùng gạch tấn công người khác, gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi này tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả mà người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Học sinh đánh thầy là vi phạm đạo đức và pháp luật (Ảnh TL).

Để xác định hình thức xử lý đối với hành vi dùng gạch ném thầy giáo của học sinh Công thì cơ quan công an cần tiến hành các thủ tục để giám định tỷ lệ thương tật của thầy Nhâm và xác minh về tuổi của Công và làm rõ hành vi, động cơ, mục đích của hành vi có tính chất côn đồ đó thì mới có căn cứ xác định Công có bị khởi tố hình sự hay không.

Điều 12 BLHS quy định: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Điều 8 BLHS cũng quy định: "Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình".

Theo đó, nếu kết quả xác minh (qua giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh...) của chính quyền địa phương, học bạ của Công, có căn cứ xác định tại thời điểm gây thương tích cho thầy Nhâm, Công đã đủ 14 tuổi. Đồng thời do mức độ thương tích của thầy giáo từ 31% trở lên nên hành vi của Công sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3, Điều 104 BLHS, với khung hình phạt là "phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm".

Nếu bị xử lý hình sự thì Công sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hình phạt là "có tính chất côn đồ", "phạm tội với thầy, cô giáo...". Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, do Công là người chưa thành niên nên khi lượng hình, Công sẽ được áp dụng các quy định của BLHS về người chưa thành niên phạm tội.

Cụ thể như sau: "Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định" (khoản 2, Điều 74 BLHS).

Nếu quá trình kiểm tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm mà xác định thời điểm thực hiện hành vi chém thầy giáo mà Công chưa đủ 14 tuổi thì hành vi của Công chỉ bị xử lý hành chính là phạt tiền và có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng. Trường hợp thương tích của thầy giáo chưa tới 31%, đồng thời Công là người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì căn cứ vào Điều 12, Điều 8, Điều 104 BLHS thì Công cũng sẽ không bị xử lý hình sự như đã phân tích ở trên.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho thầy Nhâm, luật quy định: Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì áp dụng theo quy định tại Điều 621 BLDS. Cụ thể trường hợp Công mới 14 tuổi gây thiệt hại tới sức khỏe của thầy Nhâm trong thời gian trường học trực tiếp quản lý do đó, trường học phải bồi thường.

Nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của em Công phải bồi thường. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà Công có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Có thể nói rằng, việc học sinh hành hung giáo viên là một hành động phản giáo dục, vừa có tính chất côn đồ vừa trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong, mỹ tục nên không tránh khỏi việc dư luận xã hội lên án.

Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài nào để xử lý học sinh này phải dựa trên các căn cứ pháp luật , các chứng cứ, tình tiết trong quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an có thẩm quyền, đảm bảo xử lý đúng người đúng tội, vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe phòng ngừa chung.

* Câu chuyện pháp lý

Xuân Hòa

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-nam-sinh-hu-hong-danh-thay-giao-thuong-tich-day-minh-a305790.html