Nam Quốc dị truyện 50

"Các mẹ ơi! đã biết tin gì chưa?" Cái câu cửa miệng này bỗng dưng trở thành câu thần chú tạo sự tin cậy. Chẳng có ai kiểm chứng nhưng người ta tin ngay.

"Các mẹ ơi! đã biết tin gì chưa?" đã mở đầu cho một tin vịt cho rằng có virus Ebola xuất hiện ở bệnh viện kinh đô, khiến toàn thành đô rúng động. Cái con virus ở tận Phi châu bỗng dưng đi được qua đường âm thanh, chui từ miệng người nọ qua tai người kia, theo dòng internet làm người người hoang mang. Dân Nam Quốc cũng lạ. Thông tin chính thống thì chẳng ai buồn nghe, nhưng hễ rỉ tai "Các mẹ ơi" thì lập tức vểnh tai lên ngay. Người ta cho rằng xứ này có nền văn hóa tin đồn đang phát triển rất mạnh. Các cụ bảo thấy ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi" Thế mà con cháu các cụ đang ăn dở bát cơm mà hễ thấy ngoài ngõ to tiếng là bỏ bát cơm chạy ra kê dép hóng. Rõ ràng nhu cầu ăn không bằng như cầu thông tin.

Vì vậy các nhà trường đang cân nhắc có đưa tin học vào làm môn chính hay không. Công nghệ thông tin xét cho cùng cũng chỉ để truyền tin. Từ lúc chú lính báo tiệp xưa chạy 42km, đến khi có bồ câu đưa thư rồi điện thoại internet thì hình như chất lượng thông tin chưa chắc đã nâng cao mà chỉ nhanh hơn mà thôi.

"Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa". Thời các cụ thông tin chậm mà tin đồn đã như ngựa phi, đến thời nay, tốc độ thông tin bằng tốc độ ánh sáng rồi thì những tin rác cũng bay như ánh sáng. Thay vì rì rầm vài đôi tai thì chỉ cần gõ lên mạng. Lan tỏa khắp toàn cầu "các mẹ ơi!".

Minh họa: Lê Tâm.

Cả thảy có 4 người truyền tin virus Ebola mà sự hoang mang đã lan tỏa hàng triệu người. Gốc của tin bắt nguồn từ cặp vợ chồng. Thế mới biết muốn cho cả làng biết thì hãy thì thầm vào tai vợ mình. Thập kỷ gần đây, nông dân trồng đào đã kêu trời vì cây bút nào đó đã đưa tin đào mất mùa nên đắt. Cả cánh đồng đào ế sưng. Các tin đồn đánh gục cả ngành thực phẩm từ rau tới thịt… Dân Nam Quốc sợ hãi chả nhịn ăn.

Một loại virus khác cũng lây lan nhanh không kém là các bài văn giả trẻ em. Kẻ trưởng thành nào đó đã viết vào những tờ giấy kiểm tra văn và tả về các nhân vật đáng kính và những người trong gia đình một cách hết sức lố bịch. Người thì cười khùng khục, người thì đau khổ vì trẻ con láo quá. Thực ra tinh ý một chút có thể nhận ra đó là sáng tác của người lớn, nét chữ người lớn, cách hành văn người lớn với mục đích "đả kích" rõ ràng. Thế mà các mẹ cũng tin.

Người ta rìm rầm, sếp nào sắp về, sếp nào sắp đi; ca sĩ nào sắp bỏ chồng, hotgirl nào đang có người tình; cao nhân nào sắp khuất núi… Mà đôi khi nghe nhạc hiệu đoán chương trình cũng nghiệm. Hễ thấy báo chí viết nhiều về cao nhân, người của công chúng nào thì ý rằng thời gian ngắn sau thấy đăng tin buồn. Thế mà nhiều khi người nổi tiếng vẫn đi đứng nói cười thì lại đồn vừa qua đời. Tin thì người bị bắn, người thì nhổ răng bị nhiễm trùng… Một số phóng viên nhà đài cũng dính tin đồn này đến nỗi phải cố lên sóng nói cười. Hội nhà văn chỉ vỏn vẹn có nghìn hội viên, nhưng Nam Quốc có tới hàng triệu người sáng tác, xuất bản mồm và qua internet không màng đến nhuận mồm. Nền sáng tác của Nam Quốc xứng đáng cường quốc đấy chứ.

Có thơ rằng:

Các mẹ này các mẹ ơi!
Chớ nghe xóm dưới làng trên tin đồn
Mạng xã hội nó dập dồn
Mai sau báo ứng vỡ mồm, gãy răng.

Muốn biết Nam Quốc có chuyện gì kỳ dị, xin xem CSTC số sau sẽ rõ

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/muonmaucs/2014/8/188749.cand