Năm nhóm hàng hóa phải chịu thuế bảo vệ môi trường

NDĐT - Theo quy định của Điều 4 của Dự thảo Luật bảo vệ môi trường, đối tượng chịu thuế gồm năm nhóm là: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Đó là những nhóm hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng.

Theo tờ trình dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày trong phiên họp sáng nay, 31-5, của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, cụ thể các nhóm chịu thuế như sau: - Xăng dầu là các sản phẩm có chứa một số chất hóa học như chì, lưu huỳnh..., ngay cả khi chưa sử dụng.các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng. - Khi than được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 đều là các khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp và với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. - Môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC) được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hòa không khí…Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển, làm ô nhiễm bầu không khí, là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ozone và gây hiệu ứng nhà kính. - Túi nhựa xốp (túi nilon) phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy (có thể tới hàng trăm năm) hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất gây suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. - Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại còn tương đối rẻ so với giá nông sản. Những hành vi sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng hóa chất bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng tới môi trường theo rất nhiều cách. Nguyên tắc để đưa các sản phẩm, hàng hóa vào đối tượng chịu thuế là: Thứ nhất, phải là những hàng hóa sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thứ hai, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và với thông lệ quốc tế. Thứ ba, do đây là loại thuế mới và phức tạp, cần bảo đảm tính khả thi của Luật nên cần xác định rõ loại hàng hóa để quản lý thu thuế được hiệu quả; phải tính đến sự hài hòa với phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu. Trên thực tế, có nhiều hàng hóa mà khi sử dụng gây ô nhiễm với các mức độ tác động khác nhau đến môi trường, do đó sẽ có rất nhiều loại hàng hóa có thể phải đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại chưa nên đưa tất cả các hàng hóa gây ô nhiễm vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường mà chỉ nên chọn lựa năm hàng hóa trên đưa vào diện chịu thuế môi trường. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, một số ý kiến chưa tán thành với quy định về đối tượng chịu thuế trong Dự thảo luật vì cho rằng, hiện nay không chỉ có năm nhóm hàng hóa được quy định tại Điều 4 là tác động xấu đến môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các loại hóa chất độc hại, các sản phẩm độc hại… tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần rà soát lại danh mục hàng hóa, khảo sát thêm thực tiễn, bổ sung các đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực đến môi trường thì phải thuộc diện chịu thuế. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số mặt hàng như chất tẩy rửa, hạt níc, dầu nhớt... Một số ý kiến cho rằng, đối với những mặt hàng đang chịu phí môi trường như xăng, dầu, than, nhựa, hóa chất… khi đưa vào đối tượng chịu thuế môi trường thì không nên tiếp tục chịu phí môi trường. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm (thu vào các chất thải ra trong quá trình sản xuất như phí nước thải, phí chất thải rắn...). Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế môi trường ở những công đoạn khác nhau, với những đối tượng khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, giữa một số mặt hàng, tiêu chí để xác định thuế suất chưa thống nhất (ví dụ, mức trần của khung thuế suất đối với xăng là 25% tính trên giá bán nhưng than lại bằng 1% tính trên giá bán, trong khi đó túi nhựa xốp lên tới 100% giá bán...). Một số ý kiến cho rằng, biên độ khung thuế suất đối với xăng dầu là rộng; mức trần 4.000 đồng là cao. Hiện nay trong giá xăng dầu đã bao gồm rất nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá của một lít xăng; riêng phí là 1.000 đồng. Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như quy định của Dự thảo luật, cho dù có trừ phí xăng dầu thì giá xăng dầu vẫn sẽ tăng; đồng thời dẫn đến tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng, dầu. Vì vậy, cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống người dân, gây biến động về giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến cả cân đối kinh tế vĩ mô. Có ý kiến cho rằng, thuế đối với xăng là 1.000 - 4.000 đồng, dầu diezel là 500 - 2.000đ là chưa hợp lý vì khi sử dụng xăng gây ô nhiễm ít hơn dầu diezel. Thuế suất đối với than, có ý kiến cho rằng, than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng khi sử dụng, giá bán lại tăng song biên độ thuế suất đối với than được quy định trong Dự thảo luật từ 6.000 đến 30.000 đồng/tấn là quá rộng, mức sàn thấp. Vì vậy, đề nghị thu hẹp biên độ khung thuế suất. Ngoài ra, đề nghị phân loại từng loại than dựa trên mức độ gây ô nhiễm, từ đó áp dụng mức thuế suất phù hợp, bảo đảm công bằng trong áp dụng thuế suất. Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175854&sub=131&top=38