Năm học 'bản lề'

Năm học mới này, em NVT, quê thành phố Pleiku, được cha mẹ gởi về học lớp 10 ở một trường phổ thông trung học tư thục có tiếng tại TPHCM. Với chi phí ăn học không hề nhỏ so với nghề nông nhưng cha mẹ em vẫn quyết định cho em về thành phố. Đầu tư việc học hành cho con em đang ngày càng được các bậc cha mẹ quan tâm. Đó là một thuận lợi vô cùng lớn của ngành giáo dục hiện nay.

Bước vào năm học mới 2017-2018, các chuyên gia giáo dục cũng như truyền thông đều có chung nhận định đây là năm học có nhiều thuận lợi. Trước hết, đây là năm học mang tính bản lề: Năm học cuối của chương trình giáo dục phổ thông cũ và năm chuẩn bị triển khai chương trình mới. Bởi vậy nó chiếm được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, nhiều giới.

Nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, từ các bộ, ngành ở Trung ương đến chính quyền các cấp ở địa phương đã và đang hỗ trợ tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình mới. Những ngày này, đến các địa phương có thể thấy hình ảnh nhiều trường học mới khang trang, phương tiện học tập hiện đại... Đội ngũ giáo viên- lực lượng then chốt thực hiện chương trình mới- cũng đã được trang bị nhận thức về tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình nói riêng, đổi mới hoạt động giáo dục nói chung.

Mặt khác, như các chuyên gia giáo dục nhận định, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ chú trọng hơn về mặt dạy làm người. Học sinh không chỉ được trang bị những phẩm chất tốt đẹp cho bản thân mà còn biết sống vì mọi người, vì cộng đồng. Học sinh cũng được học nhiều kỹ năng để làm việc trong môi trường mang tính sáng tạo. Để làm được nhiệm vụ quan trọng ấy, từ năm này ngành giáo dục chủ trương giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học trên cơ sở khung chương trình chung. Hiện chương trình giáo dục tổng thể đã thông qua, làm cơ sở cho việc biên soạn các bộ sách giáo khoa. Giáo viên có nhiều bộ sách giáo khoa để tham khảo, không còn bị “trói” vào một bộ sách như trước mà tùy thuộc vào đối tượng học sinh để thiết kế bài giảng phù hợp. Có thể nhận thấy liên quan công tác đứng lớp của giáo viên không khí dân chủ đã được mở rộng. Đó là một thuận lợi lớn để giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy của mình nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. “Năm học 2017 -2018 sẽ là tâm điểm thực hiện tự chủ trong nhà trường, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định tự chủ của các trường mầm non, phổ thông”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, năm học mới vẫn còn một số khó khăn chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, vấn đề nổi cộm là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế- xã hội với tình trạng học sinh nhập cư tăng vọt dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp ở các thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp. Những ngày cận kề khai giảng này, ngành giáo dục tại một số địa phương phía Bắc còn đang tập trung khắc phục khó khăn do những cơn mưa lũ để lại. Tại thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, hàng trăm học sinh có nguy cơ không được thấy không khí rộn ràng của ngày khai giảng. Những trận mưa lũ giữa tháng 8 đã cuốn trôi một ngôi trường ở thị trấn này và làm hư hại nặng nề cho ba ngôi trường khác...

Những khó khăn khách quan xem vậy dễ vượt qua hơn những khó khăn chủ quan do tự chúng ta gây ra. Đó là sự chùn chân, ngại thay đổi khi đứng trước cái mới. Hơn nữa, quán tính theo cách làm cũ là điều không phải dễ sửa đổi. Bởi vậy, trong thời khắc có tính bước ngoặc này thì vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nhìn thấy trước vấn đề này, trong chỉ thị năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT cũng nhấn mạnh “tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”.

Tóm lại, những thuận lợi nói trên chỉ có thể biến thành sức mạnh của đổi mới một khi các cơ sở giáo dục dưới trên đều đồng lòng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nam-hoc-ban-le-3757376-b.html