Năm học 2018-2019: Áp dụng chương trình-sách giáo khoa mới

Sáng 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong đó ghi rõ nội dung yêu cầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) mới từ năm học 2018-2019.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện việc đổi mới CT-SGK phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019.

Đánh giá toàn diện, có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, mô hình trường học mới (VNEN); tăng cường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trên cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, phân tầng, xếp hạng, cơ cấu đào tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo trước Quốc hội về tiến độ thực hiện CT-SGK mới. Theo đó, đến thời điểm này Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể; ban hành quy định tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn người tham gia xây dựng, người tham gia thẩm định chương trình, quy định về tổ chức và hoạt động của ban xây dựng, hội đồng quốc gia thẩm định chương trình…

Hiện đang xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Sau khi có chương trình sẽ ban hành đồng bộ các văn bản này để định hướng cho các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, từ sau khi chương trình tổng thể được công bố vào tháng 7/2015, tiến độ thực hiện đề án rất chậm.

Các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều chuyển biến; đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa ban hành.

Trong khi đó, thời hạn dự kiến đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục mới đang đến gần. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng như yêu cầu của Nghị quyết, cần đưa ra kế hoạch và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Theo Thu Hương/Đại đoàn kết

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/201611/nam-hoc-2018-2019-ap-dung-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-2525161/