Những chiến binh trong công cuộc đẩy lùi dịch Covid-19

Trong cuộc chiến chống Covid19, có những cán bộ y tế tuyến đầu ít người biết đến. Bởi đằng sau bộ đồ bảo hộ, những lớp khẩu trang kín mít là công việc nhận định dịch tễ và phân tích yếu tố nguy cơ từng ca bệnh, chỉ định lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, họ được coi như là những 'trinh sát' dẫn đường trước khi quyết định cho cuộc khoanh vùng và tiêu diệt Covid19.

Họ là những cán bộ dịch tễ, những cán bộ xét nghiệm làm việc cần mẫn không phân biệt ngày đêm. Sau khi xuống cộng đồng nắm bắt yếu tố dịch tễ, trở về phân tích dịch tễ, thực hiện kết quả khẳng định để có những định hướng sớm nhất, nhanh nhất cho các quyết định để phong tỏa, cách ly ca bệnh và các trường hợp liên quan cũng như khoanh vùng xử lý các ổ dịch.

Không đón giao thừa tại nhà, làm việc không biết thời gian và ngày tháng, chớp nhoáng những bữa ăn rất muộn; tiếp tục bắt tay vào công việc..., đó là những hình ảnh quen thuộc của những cán bộ y tế nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, nhiều đêm trắng không ngủ, giọng bị mất tiếng, nói không rõ lời, thậm chí stress. Tuy nhiên các cán bộ y tế vẫn không chùn bước chiến đấu với "kẻ thù giấu mặt" là virus gây bệnh Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) luôn hăng hái trên tuyến đầu chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) luôn hăng hái trên tuyến đầu chống dịch.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) đã hăng hái lên đường tham gia đợt 1 huy động tăng cường hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm ở thành phố Chí Linh. Chị Phượng là một trong hai nhân viên y tế của phường được tập huấn về chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm.

Chia sẻ với phóng viên, chị Phượng bộc bạch: “May mắn cho tôi là được gia đình ủng hộ. Bố mẹ đều làm ngành y nên rất chia sẻ, thông cảm và đỡ đần việc nhà. Các con tôi được rèn tính tự lập từ bé nên tôi đi tăng cường chống dịch rất yên tâm. Trong quá trình làm việc tại các vùng dịch, tôi luôn chú ý vừa bảo đảm sức khỏe vừa nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu trong thời gian tới, dịch bệnh diễn biến phức tạp thêm thì tôi vẫn luôn trong tinh thần sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào có điện thoại điều động của ngành”.

Gắn bó với công tác điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã 19 năm, trong lần dịch này anh Nguyễn Văn Kiên được tăng cường sang bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương) hỗ trợ về chuyên môn.

Khi tiếp nhận những ca bệnh dương tính đầu tiên anh Kiên cùng đồng nghiệp tổ chức sàng lọc, phân luồng, giám sát các quy trình chống nhiễm khuẩn y tế tại buồng bệnh, chế độ ăn, nghỉ ngơi và chăm sóc người bệnh Covid-19. Tại đây hiện đang điều trị cho 38 bệnh nhân và phần lớn tâm lý đều ổn định, sức khỏe bình thường và chỉ có ít trường hợp xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh.

Anh Kiên chia sẻ: “Trong khu cách ly khi điều kiện vật chất không thể thoải mái như ở nhà, cùng với đó là nỗi lo bệnh tật, lo về thành viên của gia đình mình nên nhiều bệnh nhân Covid-19 cũng có những bất an. Những lúc này tôi và đồng nghiệp tiếp cận, trấn an tư tưởng, giải thích để người bệnh an tâm điều trị".

Không chỉ với anh Kiên, nhiều cán bộ y tế tuyến đầu của Bệnh viện Bạch Mai, một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh khác tăng cường tại bệnh viện dã chiến cũng ngày đêm không quản hiểm nguy và nguy cơ phơi nhiễm cận kề để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Bất kể ngày – đêm, công tác lấy mẫu xét nghiệm, rà soát yếu tố dịch tễ luôn là nhiệm vụ bất khả thi đối với các y, bác sĩ.

Anh Khổng Văn Phương, Đội phó Đội phản ứng nhanh (Trung tâm Y tế Thành phố Hải Dương) nhiều ngày đêm nay gắn bó với nhiệm vụ phòng chống dịch cho biết, các anh được giao thực hiện công tác bố trí đưa đón những trường hợp F1 vào khu cách ly, xuống hướng dẫn khu vực phong tỏa, giám sát sức khỏe người dân, hướng dẫn xử lý môi trường khử khuẩn ổ dịch cộng đồng trong vùng cách ly, cùng ban chỉ đạo các xã phường tham mưu thành lập và chỉ đạo hoạt động các tiểu ban an ninh trật tự, hậu cần và tuyên truyền; thành lập và hoạt động các điểm sơ cấp cứu ban đầu cho người dân vùng phong tỏa.

Với anh Phương và những cán bộ y tế, công việc vất vả, thời gian sớm khuya không quản ngại và bất cứ lúc nào khi truy vết các anh lại xuống và bám trụ tại điểm nóng. Những tình huống nửa đêm thậm chí rạng sáng khi nhận tin báo về nguy cơ ổ dịch anh Phương lại cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ đi ngay và chỉ trở về đơn vị khi chốt được hết số người diện cách ly.

Không phân biệt cán bộ y tế Trung ương hay địa phương, những cán bộ Tổ công tác đặc biệt của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã bám trụ tại ổ dịch Hải Dương suốt từ ngày 27/1.

Gần 20 năm gắn bó tại Khoa Truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn, thành viên Tổ giám sát đã từng đi nhiều tỉnh thành và chống nhiều các dịch bệnh nguy hiểm cho biết: “Đối với dịch bệnh Covid-19 chúng tôi từng bám trụ với các điểm nóng trong các vụ dịch như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Mê Linh- Hà Nội); Đà Nẵng thậm chí Thế giới bò tươi, Thành phố Hải Dương. Tuy nhiên với đợt dịch thứ 3 đang diễn ra tại Hải Dương lần này thì gian nan và nhiều thử thách. Làm việc không mệt mỏi, làm xuyên đêm thậm chí quên giao thừa và cũng chỉ kịp gọi chúc mừng gia đình bằng điện thoại sáng mồng 1 tết”.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn gian khó, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch vẫn đang ngày đêm cố gắng chiến đấu để sớm triệt tiêu dịch bệnh Covid- 19, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin gửi tới các cán bộ, y bác sĩ, những người đã và đang công tác trong lĩnh vực y tế lời tri ân sâu sắc nhất.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhung-chien-binh-trong-cong-cuoc-day-lui-dich-covid-19-182074.html