Nam Định, Thái Bình: Cùng khai hội Đền Trần

Trong ngày 11 và tối ngày 12-2, lễ hội Đền Trần Xuân 2014 đã lần lượt được chính quyền, người dân TP.Nam Định (Nam Định) và huyện Hưng Hà (Thái Bình) tổ chức khai hội. Ngày khai hội năm nay cũng là ngày huyện Hưng Hà tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận Lễ hội Đền Trần Thái Bình là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia của Bộ VHTT&DL…

Xung quanh việc tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình cùng tổ chức lễ hội Đền Trần vào dịp đầu Xuân (có năm tỉnh Hà Nam cũng tham gia tổ chức) từng có ý kiến cho rằng đang có sự "cạnh tranh” giữa các địa phương trong việc tổ chức lễ hội này. Không đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Chuyên - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho rằng: Ở đâu người dân có các hoạt động tri ân công đức nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam - cũng đều đáng quý. Theo ông Chuyên, địa điểm đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) chính là quê hương, đất phát nghiệp của nhà Trần, hiện là nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần. Nơi đây cũng đã được Bộ VHTT&DL công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia. Trước khi lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức quy mô lớn như hiện nay thì hàng năm người dân vẫn tổ chức lễ hội ở địa phương. Ông Chuyên từng nhấn mạnh: Không có chuyện lễ hội Đền Trần ở đây mới được phục dựng để cạnh tranh với địa phương khác. Trong khi đó, đã từ rất lâu, giới chức ở tỉnh Nam Định cũng luôn khẳng định: Thiên Trường xưa, TP. Nam Định ngày nay chính là quê hương, nơi phát tích của Vương triều Trần. Đền Trần ở TP. Nam Định đã được Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia hạng đặc biệt. Vào năm 2012, Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định đã được chính quyền tỉnh này long trọng tổ chức. Thật khó để nói có sự cạnh tranh hay không nhưng có một thực tế những năm gần đây, cứ vào dịp đầu năm cả tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình đều tổ chức lễ hội Đền Trần ở địa phương mình với quy mô lớn, kéo dài.

Như năm nay, lễ chính hội Đền Trần Nam Định được tổ chức kéo dài hơn một ngày, cụ thể vào ngày 11-2, lễ hội này đã được mở đầu với nghi lễ rước Nước và tế Cá. Việc có thêm nghi thức này trong lễ hội năm nay, theo ông Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (đơn vị được Bộ VHTT&DL giao nhiệm vụ hỗ trợ địa phương phục dựng lễ hội Khai ấn), qua nghiên cứu, tìm hiểu của cơ quan này thì nghi lễ rước Nước, tế Cá đã có từ cổ xưa, mang hàm ý nhớ về cội nguồn, xuất thân của nhà Trần vốn là những người hành nghề chài lưới. Qua thời gian nghi lễ bị thất truyền. Rước Nước và tế Cá là một trong những nội dung của Đề án phục dựng lễ hội khai Ấn Đền Trần Nam Định đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt trước đó. "Chúng tôi không sáng tác thêm mà là phục dựng lại nghi lễ này” - ông Quang khẳng định.

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76166&menu=1420&style=1