Năm 2017, nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất

Dù mùa mưa vẫn chưa kết thúc, nhưng dự báo của các nhà quản lý và nhà khoa học, vụ mùa năm 2017 vẫn còn đó nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất. Trong khi đó, diện tích gieo sạ lúa đông xuân tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang đối mặt với khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài nguy cơ thiếu nước ngọt cho canh tác

Nước ngọt thiếu cục bộ tại một số tiểu vùng

Tại hội nghị về điều hành hệ thống thủy lợi Quảng Lộ - Phụng Hiệp, ngày 30.11 tại Sóc Trăng, Tổng Cục Thủy Lợi khuyến cáo, mùa khô năm 2017 tuy không khốc liệt như những năm trước, nhưng dòng chảy sông Cửu Long có thể thiếu hụt, dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đến sớm…
Theo Tổng Cục Thủy Lợi, những tháng đầu năm ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino gây khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng khắp các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong đó, vùng sản xuất nông nghiệp thuộc hệ thống Quảng Lộ - Phụng Hiệp (QLPH) trên địa bàn 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bị thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL bước vào sản xuất nông nghiệp năm 2017, để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Hệ thống thủy lợi QLPH đã có kế hoạch phối hợp với các Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý vận hành thủy lợi 3 tỉnh vận hành hệ thống cống đập đồng bộ, trước mắt đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân đến kỳ thu hoạch thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Lợi, Bộ NNPTNT dự báo mùa khô 2016 – 2017, nước phục vụ cho sản xuất vùng ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần phải kiểm soát tốt nguồn nước.
ĐBSCL nhu cầu đầu tư công trình rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn hạn chế vì vậy, các công trình cần ưu tiên số 1 là Âu thuyền Ninh Quới, Cái Lớn, Cái Bé. Các công trình nước sinh hoạt xuống cấp trầm trọng cần phải khôi phục. Những nơi không có nước mặt vẫn phải cho khoan giếng tầng sâu, hay làm đập tạm.

Tập trung chăm sóc tốt trà lúa đông xuân

Các tỉnh thuộc hệ thống QLPH đang tập trung xuống giống những nơi có điều kiện sản xuất. Bạc Liêu giảm dần diện tích lúa thay cho lúa tôm. Sóc Trăng cũng đang tăng cường chăm sóc trà lúa này ở các huyện Trần Đề, Long Phú. Đáng chú ý hiện nay trên các trà lúa đang xuất hiện bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông. Toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 56.000 ha lúa đông xuân 2016 -2017. Ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo người trồng cần chú ý phòng trừ các loại dịch hại thông thường như: Bù lạch, rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn, đốm vằn thối gốc vi khuẩn, vàng lá vi khuẩn. Đặc biệt là quản lý chặt tình trạng bệnh đạo ôn lá có khả năng bộc phát mạnh trong thời gian tới do yếu tố thời tiết bất lợi.
Trong khi đó, tại Tiền Giang, vụ đông xuân được xem là vụ chính trong năm nên cùng với ban hành lịch thời vụ khung xuống giống đồng loạt để né rầy gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cho từng vùng, trong đó khu vực các huyện phía tây tập trung xuống giống từ 25.11 đến ngày 5.12 dứt điểm và các huyện còn lại từ 5.12 đến 25.12 thì xuống giống dứt điểm. Hiện nay, nông dân tỉnh này đã xuống giống trên 75.000 ha trà lúa này.
Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả cao, Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang huy động công sức nông dân tập trung hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng; tuyển chọn giống lúa hạt dài, phẩm chất tốt đưa vào cơ cấu sản xuất nhằm nâng giá trị hạt lúa hàng hóa trên thị trường hướng đến xuất khẩu. Cơ cấu giống lúa được bố trí với tỉ lệ giống chất lượng cao chiếm trên 70%, chất lượng trung bình 20%, còn lại là giống khác trong đó các giống chủ lực gồm: OM 4900, OM 5451, OM 6976, Jasmine 85, Nếp Bè, Nàng Hoa 9...
Bên cạnh đó, tỉnh triệt để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như: Công nghệ sinh thái, 1 phải 5 giảm, bón phân theo bảng so màu lá lúa, quản lý các đối tượng sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng...Đồng thời, có giải pháp phòng chống hạn mặn một cách cụ thể, hiệu quả, giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh, các ngành hữu quan như: Bảo vệ thực vật, khuyến nông, các cơ quan thông tin đại chúng... tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và cập nhật kịp thời diễn biến sâu bệnh và các biện pháp quản lý, phòng chống một cách chủ động để tạo tiền đề cho một vụ sản xuất mới bội thu.
Tỉnh An Giang đã chỉ đạo chuyển đổi đạt khoảng trên 71% sử dụng giống lúa xác nhận và chất lượng tốt. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo giảm diện tích gieo sạ, sử dụng giống lúa IR 50404; các giống lúa chủ lực gieo sạ vụ này là: OM 6976, giống lúa nếp cho vùng trồng lúa nếp truyền thống ở huyện đầu nguồn Phú Tân, giống lúa Jasmine 85 hay OM 4218 và các giống lúa khác ở địa phương do nông dân trao đổi, nhân giống lúa xác nhận.

Hoàng Huy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nam-2017-nguy-co-thieu-nuoc-ngot-san-xuat-618312.bld