Năm 2017 có tăng giá điện?

Ngày 20.1, Bộ Công Thương đã họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 trên cơ sở số liệu đã được kiểm toán độc lập Deloite xác nhận. Về giá điện năm 2017 liệu có tăng cao, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết: Đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa có quyết định tăng giá điện, bộ sẽ cân nhắc 4 yếu tố tác động đến giá điện là chi phí nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu chi phí mua điện cao hơn từ 7% thì mới tiến hành điều chỉnh.

Chi phí lớn, lãi mỏng

Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực thì năm 2015, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 143,68 tỉ kWh. Tỉ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,94%, thấp hơn 0,06% so với chỉ tiêu được giao và thấp hơn 0,55% tỉ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2014. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736,14 tỉ đồng; theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh. Do là năm khá hạn chế về nguồn nước nên thủy điện không huy động được tối đa sản lượng, buộc phải chạy các nguồn điện có giá thành cao hơn như than, khí, dầu ở một số thời điểm.

Tính chung, doanh thu bán điện của EVN trong năm này là 234.339,52 tỉ đồng, tương ứng với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.630,96đ/kWh. Như vậy, nếu nhìn vào tổng chi phí sản xuất điện và doanh thu từ tiền bán điện thì EVN không có lãi, thậm chí là lỗ. Nếu cộng thêm các khoản ngoài doanh thu tiền điện như thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng, thu nhập từ hoạt động tài chính của Cty mẹ, thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia từ các công ty con thì mức lãi của EVN năm 2015 là khoảng 2.132,74 tỉ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo của kiểm toán độc lập (Deloitte Việt Nam) cho thấy, các chi phí chưa phân bổ vào giá thành điện gồm: Chênh lệch tỉ giá tính đến ngày 31.12.2015 của các công ty sản xuất kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn, các công ty cổ phần có vốn chi phối của EVN… với tổng chi phí lên đến gần 10.000 tỉ đồng.

Nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tăng giá

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương - cho biết, trong năm 2015, giá nhiên liệu đầu vào là than, khí, dầu đã tác động đến giá thành sản xuất kinh doanh điện. Cụ thể, năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định thay đổi bộ quy trình than dùng trong ngành điện, do đó, giá than cơ bản ổn định. Tuy nhiên giá khí tăng 2% theo lộ trình, trong khi giá dầu đã giảm do giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Trả lời câu hỏi liệu giá điện có bao gồm các chi phí xây dựng các công trình phúc lợi của ngành điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo quy định các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như biệt thự, sân tennis... đều được sử dụng các nguồn quỹ phúc lợi của EVN, chứ không được lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện nên không thể coi là chi phí hợp lệ. Tuy nhiên, các khoản lỗ chênh lệch tỉ giá hiện chưa được tính sẽ phải được hạch toán dần vào giá điện các năm tiếp theo” - ông Tuấn nói.

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - năm 2015, chênh lệch tỉ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỉ đồng cho EVN. Để không tạo áp lực tăng giá điện, do giá dầu giảm sâu, và giá khí ăn theo giá dầu nên đã giảm được tiền nhiên liệu khoảng 5.000 tỉ đồng. Số còn lại, EVN đã tìm cách tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa hoạt động đã tiết kiệm được khoảng gần 3.500 tỉ, số còn lại là lỗ tỉ giá được phân bổ dần vào giá điện.

Ông Tri khẳng định: “Thông thường, theo chế độ kế toán các khoản chênh lệch này phải hạch toán hết trong năm nhưng nếu đưa vào sẽ đẩy giá lên cao, gây áp lực tăng giá điện. Chính vì vậy, EVN đã báo cáo xin cho phép được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hướng khi có điều kiện thì đưa vào giá điện, hoặc xử lý thông qua giảm giá thành” - ông Đinh Quang Tri cho biết.

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu than, khí, dầu, phí môi trường đang có chiều hướng tăng, trả lời câu hỏi năm 2017, giá điện có tăng cao, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hiện giá cơ sở đang được tính toán và chưa quyết định điều chỉnh giá điện tại thời điểm này” - ông Tuấn nói.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên Lao Động: Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định sửa đổi QĐ 69 trình Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, dự kiến trao quyền cho EVN được quyết định mức tăng giá tới 10% và khoảng cách giữa các lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng thay vì 6 tháng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dự thảo được quy định là nhằm phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu lên xuống, tuy nhiên, ông đính chính là quy định cho phép EVN quyết định mức tăng giá tới 5%, đồng thời giá điện cũng được quy định trong khung giá được Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành khung giá bán điện từ 2016-2020. Vì vậy, EVN không thể muốn tăng là tăng ngay được.

Hồng Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nam-2017-co-tang-gia-dien-632239.bld