Năm 2013 có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan

(SGGPO).- Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2013, ngành khí tượng thủy văn đã ghi nhận được những kỷ lục về thời tiết, thậm chí có những hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Trong đó, có thể kể đến hiện tượng tuyết rơi vào tháng 12 tại nhiều điểm ở tỉnh Lào Cai-điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1961 tới nay. Lào Cai là tỉnh có tần suất xảy ra hiện tượng tuyết rơi (ảnh)nhiều nhất ở nước ta, song nhiều năm nay mới có tuyết rơi trên diện rộng và dày.

Tuyết rơi trên đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai) vào tháng 12-2013 làm nông dân thiệt hại nặng, giao thông bị chia tách. Ảnh: Văn Phúc

Mưa đá cũng là một hiện tượng thời tiết cực đoan khác xuất hiện trong năm 2013. Cuối tháng 3-2013, ba trận mưa đá liên tiếp xảy ra ở tỉnh Lào Cai với kích thước hạt đá to kỷ lục (đường kính đạt mức 6-10cm, có hạt to bằng chiếc ấm pha trà, bát ăn cơm) đã phá hủy hoàn toàn hoặc làm thủng hơn 10.000 mái nhà, làm 32 người bị thương.

Ở chiều ngược lại, khu vực Bắc bộ đã đạt đến nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu ghi nhận được từ nhiều thập kỷ nay. Nắng nóng xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm, từ tháng 4 đến hết tháng 11. Trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 12 đợt nắng nóng (ít hơn so với năm 2012 là 6 đợt), các đợt nắng nóng phần lớn không kéo dài. Tuy nhiên, một số nơi ở đồng bằng Bắc Bộ nhiệt độ đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử cùng thời kỳ từ năm 1960 đến nay, như Bắc Giang (38,6 độ C ngày 16-5), Bắc Ninh (39,6 độ C ngày 16-5), Nam Định (39,7 độ C ngày 15-5), Văn Lý (38,9 độ C ngày 16-5), Ninh Bình (39,6 độ C ngày 15-5)...

Về lượng mưa, từ tháng 5 đến tháng 10-2013, trên phạm vi toàn quốc, lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt ở khu Đông bắc và Bắc Trung Bộ cao hơn nhiều so với TBNN cùng thời kỳ từ 400-600 mm, có nơi trên 700mm. Đợt mưa lớn giữa tháng 11-2013 ở khu vực Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã xảy ra lượng mưa lên tới 661mm (ngày 15-11-2013). Đây là lượng mưa đạt giá trị lớn nhất từ trước tới nay trong cùng thời kỳ (kỷ lục cũ được ghi nhận là 515 mm ngày 12-11-1938).

>>Lào Cai thiệt hại nặng do mưa tuyết

>>Thêm không khí lạnh tăng cường

>>Không khí lạnh có thể gây mưa đá

>>Tuyết rơi trắng trời Sa Pa

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/moitruongdothi/2013/12/335835/