Năm 2011 Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 7-7,5%: Vấn đề không chỉ là những con số

Chuẩn bị những bước căn bản cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2011, Chính phủ đã đưa ra những đề xuất, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 khoảng 7-7,5% với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói đây không chỉ mục tiêu mà còn là thông điệp đáng mừng dựa trên những cơ sở tiêu chí rất cụ thể...

Một giàn khoan dầu khí Ảnh: HỒNG SÂM Vẫn còn những bất cập Năm 2010 nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh sau những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế thế giới. Càng về thời điểm cuối năm tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao và ổn định với các chỉ số rất đáng mừng. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng qua đạt 13,7% và cả năm 2010 ước đạt 13,8%; giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản tăng 4,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng hơn 3 lần so với kế hoạch chỉ tiêu và góp phần quan trọng trong việc giảm nhập siêu dưới 20% và giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm xuống 9,5% (so với 11,3% của năm 2009). Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tích cực theo lộ trình từng bước ngăn cản ảnh hưởng của khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bước sang giai đoạn phát triển; đang trở thành và tiếp tục là những địa chỉ hấp dẫn thu hút sự đầu tư của nước ngoài đặc biệt là với những nền kinh tế phát triển. Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí với báo cáo của Chính phủ nhưng cũng đã mạnh dạn nêu ra những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có những phân tích thấu đáo và giải pháp cụ thể. Vấn đề nổi lên là kinh tế vĩ mô thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp và tiềm ẩn nhiều bất trắc mà nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp sau. Nhập siêu mặc dù đã được khống chế kiểm soát và hạn chế nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn ở mức 13,5 tỷ USD (tăng 5% so với 2009) và đây chính là nguyên nhân làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP. Điều đáng nói là nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng công nợ quốc gia và gây sức ép phá giá đồng nội tệ. Đây sẽ là những trở ngại cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch và các chỉ tiêu kinh tế còn bất cập, thậm chí thành công trong việc xuất khẩu (vượt tăng hơn gấp 3 so với chỉ tiêu kế hoạch) cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc lập cán cân vĩ mô và hoạch định các chính sách kinh tế thích hợp. Việc các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt, việc xác định quyền sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và mô hình Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường. Điều hành chính sách, quản lý thị trường, giá cả, sản xuất lưu thông trong một số ngành, lĩnh vực còn chưa tốt. Cơ sở để đạt tăng trưởng Dựa trên những báo cáo và kế hoạch dự kiến của Chính phủ, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận thấy năm 2011 cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2011 khoảng 7-7,5% là hoàn toàn có cơ sở khi các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010 ước đạt 6,7% (cao hơn so với kế hoạch đề ra). Chính phủ cần tiếp tục đưa ra những đề xuất trong việc điều hành kinh tế vĩ mô cũng như những biện pháp, nhóm giải pháp cụ thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà chuyển hướng khuyến khích và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Thực hiện đồng bộ các chính sách tài chính tiền tệ, lao động tiền lương, khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế so sánh đảm bảo sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng thanh toán và cân đối ngoại tệ. Đẩy mạnh quản lý thị trường cùng với việc duy trì các cân đối cung cầu hàng hóa, phát triển và hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông nhằm kiểm soát lạm phát. Kèm theo các nhóm giải pháp đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các chủ trương như tăng cường phối hợp đảm bảo sự đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, điều chỉnh phân cấp giữa Trung ương với địa phương nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước. Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và giảm nghèo, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa thông tin, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường... Nguyễn Minh Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17971&menu=1364&style=1