Năm 1987 với tôi

Tôi nhớ năm 1987 Đinh Mão, mùa xuân đến thật ngỡ ngàng. Có cái gì đó thực sự biến chuyển mà sức ì của nhiều năm tháng quan liêu - bao cấp đã khiến mọi người chưa nhận ra. Và cũng bởi biến chuyển cũng chỉ là những vòng quay chầm chậm. Bài thơ “Ngước lên mùa xuân” của tôi đã được báo Hà Nội Mới in trang trọng. Nếu là mùa xuân trước, chưa chắc đã được in.

Trong sương khói những ngày đầu xuân, tôi mang đến nhà nhạc sĩ Văn Cao bản thảo tập thơ “Lá” mà tôi đã mày mò chép, biên tập từ những cuốn sổ tay nhỏ xíu của Văn Cao. Bên cạnh đó là bài viết giới thiệu của tôi. Bước vào phòng, sau lời chúc Tết, Văn Cao ngồi xuống rót rượu. Cụng ly xong, mỗi người nhắp một hơi. Văn Cao bảo: “Nghe nhé. Lâu mới làm được thơ”. Tôi thầm nghĩ, thế là có thêm thơ bổ sung cho tập “Lá” rồi. Văn Cao thong thả đeo kính, giở cuốn sổ ra. Và giọng trầm ấm vút lên: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ Như tiếng sỏi/ Trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ/ Còn xanh/ Riêng những bài hát/ Còn xanh/ Và đôi mắt em/ Như hai giếng nước”.

Tôi gật gù: “Vẫn là giọng chắt lọc của cụ”. Thế là uống mừng thả phanh.

Giữa mùa xuân, Thanh Thảo từ Quy Nhơn ra ở nhà dịch giả Trung Đức ở số 8 Tràng Tiền. Một dự định thật bất ngờ. Thanh Thảo và tôi sẽ cùng nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Vĩnh Cư dịch thơ Parternak. Thế là anh em cắm đầu vào dịch, rồi đọc cùng nhau, rồi sửa sang để hoàn chỉnh. Mùa xuân 1987 Đinh Mão cứ nồng nàn như thế. Qua mỗi ngày, cảm nhận về một sự thay đổi càng thấy rõ.

Quầy bán hàng Tết ở Hà Nội thời bao cấp.

Ảnh: TL.

Dịch xong tập thơ, tôi và Thanh Thảo vào Quy Nhơn. Ở đó, Ban quản lý xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn do anh Bùi Trần Hà phụ trách đã đặt tôi viết một chùm ca khúc cho thủy điện này vì đã nghe Truyền hình Quy Nhơn giới thiệu một chương trình ca khúc của tôi hồi cuối năm 1986. Chúng tôi đi lên Vĩnh Sơn. Tôi làm nhạc, Thanh Thảo làm thơ. Ca khúc “Mặt trời thác nước” đã nhiều năm đoạt huy chương vàng trong các kỳ hội diễn của ngành điện lực do nữ ca sĩ Thanh Sơn thể hiện. Do viết theo đặt hàng nên chúng tôi có chút kinh phí. Thế là tôi và cả gia đình Thanh Thảo lên Đà Lạt chơi với Hội Văn nghệ Lâm Đồng mà nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa rời Đà Nẵng lên làm Chủ tịch Hội. Ở Đà Lạt, những đêm tụ họp tại palace thật vui vẻ và ấm cúng. Không chỉ vui với Bùi Minh Quốc, chúng tôi còn gặp cả nhà thơ Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng ở Sài Gòn trước 30.4.1975. Anh Sơn đưa gia đình lên làm kinh tế mới ở Bảo Lộc.

Để hưởng ứng tinh thần đổi mới, một hội nghị thơ miền Trung đã được tổ chức tại Nha Trang. Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh Nguyễn Thế Khoa (con trai nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang) rất nhiệt tình với sự kiện này. Nha Trang đã đón anh em văn nghệ khắp miền Trung trở về, có cả các nhà văn Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long như Dạ Ngân cũng có mặt. Ở hội nghị ấy, anh em đều thống nhất khước từ một thời minh họa, ngợi ca một chiều. Nhiều phát biểu của Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, Tô Nhuận Vỹ thật hùng hồn và khảng khái. Một đêm thơ thời đổi mới đã diễn ra tại Nha Trang bừng bừng khí thế. Cũng chính ở Nha Trang, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh đã quyết định in tập thơ Parternak song hành cùng Hội Văn nghệ Lâm Đồng in thơ bướm Parternak.

Có thêm kinh phí cho cuộc xuyên Việt rồi, tôi và gia đình Thanh Thảo vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Trần Tiến lôi ngay cả băng về tá túc tại căn phòng ở gần ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thiện Thuật. Bữa cơm vui quá xá vì đông trẻ con và bao chuyện những ngày đầu đổi mới. Ở đấy, tôi viết bài thơ “Cần làm ngay, những việc” tặng đồng chí N.V.L in ngay báo Sài Gòn Giải Phóng. Còn đêm Gala 87 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng thì Thế Hiển hát bốc lửa ca khúc “Đàn guitare của Lorca” do nhạc sĩ Thanh Tùng phổ thơ Thanh Thảo. Đêm ấy, Trịnh Công Sơn vì vui nên quá say, hát không hết nổi bài “Em là bông hồng nhỏ”. Say rượu hay là say không khí đổi mới không biết? Trần Tiến thì lúc đó vừa hát dạo, vừa viết những ca khúc pop kêu gọi đổi mới như “Rock đồng hồ”, “Ý nghĩ qua phòng hải quan”... Khi đó “Ngọn lửa cao nguyên” của Trần Tiến đang rất thịnh hành. Anh lại vừa viết xong “Ngẫu hứng lý qua cầu”. Tiến đang thời kỳ sung sức nhất. Tôi với tư cách là đại diện cho tuần tin Thanh Niên ở Hà Nội nên khi vào Sài Gòn, tôi chọn giới thiệu cho Thanh Niên nhiều bài thơ có tư tưởng đổi mới. Mải mê với báo chí và thời sự nóng hổi của những ngày đầu mở cửa, mãi rồi tôi mới rời Sài Gòn ra Hà Nội.

Ra Hà Nội, tôi lại cuốn vào không khí sôi nổi như thế trong làng văn nghệ. Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành tập thơ “Những giọt mưa đồng hành” của tôi, in ghép với tập “Lời ru từ đất” của Chử Văn Long. Hai tác giả đều được giải thưởng thơ báo Văn Nghệ mấy năm trước. Tên tập thơ của tôi cũng là tên bài thơ được giải thưởng. Lúc này, nhà văn Nguyên Ngọc về làm báo Văn Nghệ. Anh Nguyên Ngọc đặt các nhà thơ chọn thơ cho trang thơ của báo. Bởi thế mà bài “Đêm trên toa tàu ngồi của tôi” mới được in mặc dù đã viết từ năm 1982. Báo Đất Việt của Hội Việt kiều yêu nước ở Canada ra một số đặc biệt về Văn Cao do tôi thực hiện rất trang trọng. Ở đó vừa in thơ Văn Cao, vừa in những bài viết của Văn Cao, của tôi và của nhiều người khác. Nói chung là không khí năm 1987, lúc nào cũng cứ như là Tết.

Mùa thu 1987, Hữu Loan ra Hà Nội và ở trên chòi gác nhà tôi. Thích nhất là cuộc tái hồi giữa Văn Cao và Hữu Loan. Hai người luôn trọng nhân cách của nhau, giờ lại gặp nhau sau bao nhiêu năm, bao nhiêu điều thổ lộ. Nhiều bài thơ của Hữu Loan mà tôi chưa hề biết lúc ấy mới nghe ông đọc. Những bài này sau được in thành tập với tiêu đề “Màu tím hoa sim”. Hữu Loan có một giọng đọc thơ rất khí khái, trầm vang. Càng say, ông đọc càng hay.

Sự đổi mới len vào ngay cả ý nghĩ. Lúc ấy, tôi nghĩ, anh em văn nghệ đa số là nghèo túng. Tuy cái chòi gác nhà tôi là nơi anh em qua lại đã nhiều năm qua nhưng cũng không cải thiện được mấy vì không có gốc. Lại thêm một sự kiện xảy ra là cả hai xe đạp của vợ chồng tôi để ở lối đi dưới nhà bao năm nay, tự nhiên sau một đêm không cánh mà bay. Để cho vợ đỡ phiền lòng, tôi vay tiền người bạn mua lại xe cho cả hai, đồng thời mua một tivi đen trắng về cho vợ con xem những ngày tôi bươn chải kiếm tiền. Lúc ấy, tôi bắt đầu buôn bán sách và làm sách cùng mấy người bạn.

Đã lại sắp hết năm, tôi bàn với Nhà xuất bản Mỹ thuật ra một tạp chí về người đẹp trong tranh và ảnh. Ở trong kia, Lê Dưỡng Hạo sẽ lo phát hành ở đầu Sài Gòn. Đúng lúc tôi định vào Sài Gòn cùng Hạo lo vụ này thì chương trình “Đối thoại 87” của Trần Tiến diễn ra làm bùng cháy cả giới biểu diễn âm nhạc Sài Gòn. Tiến bị truy xét phải ra Hà Nội để trình bày. Hạo và Tiến ở cùng tòa nhà. Hạo và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (vợ Hạo) ở tầng 2. Còn Trần Tiến thì ở tầng ba. Tôi và em Châu (một cậu bé dễ thương từ Huế ra làm phụ cho tôi) cứ hàng ngày đi bán tạp chí, về lại ăn cơm với vợ con Trần Tiến. Càng cận Tết, việc càng vất vả hơn. Nhưng bọn tôi cũng phải cố. Sự đổi mới đã nhập hẳn vào hệ tư tưởng. Bữa đó, tôi có gặp anh Xuân Cang đang làm Tổng biên tập báo Lao Động. Anh Cang đề nghị góp thơ in báo Tết. Vui quá. Đi đường đã thấy có người mang cành đào bán dạo ở đường phố Sài Gòn. Bỗng nhớ Hà Nội khủng khiếp. Tôi vội viết bài “Cành đào” gửi cho anh Cang: “Ai giơ cao cành đào/ Lòng ta chùng lại”. Nấn ná mãi, tôi theo đường bay quân bưu ra Hà Nội đúng vào Đêm nhạc Văn Cao đầu tiên tổ chức ở rạp Kim Môn Hàng Buồm do ca sĩ Gia Khánh làm MC còn ca sĩ Quý Dương biên tập âm nhạc. Lần đầu tiên, vào cuối năm 1987, người Hà Nội mới được nghe lại “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Bến xuân”… trữ tình của Văn Cao. Báo Văn Nghệ yêu cầu tôi viết bài ngay cho số Tết Mậu Ngọ 1988.

Hết năm 1987, tôi như được uống liều thuốc thần, thấy mình đầy tự tin và tự do làm mọi việc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nam-1987-voi-toi-631893.bld