Myanmar thời kỳ đầu mở cửa

Giống như Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa, nhiều đoàn nghiên cứu và các quỹ đầu tư đã bắt đầu những bước thăm dò thị trường Myanmar. Nhiều ngành dịch vụ với các tên tuổi lớn như KPMG, Delloite, Pricewaterhousecooper đã có văn phòng ở Rangoon, thủ đô cũ nay được xem là trung tâm kinh tế tài chính của Myanmar thời kỳ mới.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, Câu lạc bộ Paris - một nhóm không chính thức gồm các nước cho vay- đã đạt được đồng thuận với chính phủ Myanmar theo đó khoảng 6 tỉ đôla Mỹ các khoản vay chưa trả của nước này sẽ được hủy bỏ. Đây chỉ là phân nửa các khoản vay chưa thanh toán, các khoản vay còn lại sẽ được cơ cấu thời hạn trả trong vòng 15 năm.

Ngoài ra, theo thông cáo của chính phủ Myanmar, Nhật Bản đã cam kết khoản vay ngắn hạn để giúp chính phủ của tông thống Thein Sein trả khoản nợ còn khất với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Những động thái này tương tự như kịch bản mà các định chế tài chính quốc tế đã dành cho Việt Nam vào thời kỳ đầu mở cửa, có tác dụng khai thông nút thắt cổ chai về những khoản nợ chồng chất cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào.

Trong quá khứ, Myanmar đã ngừng thanh toán các khoản vay cũ vào cuối những năm 1980. Điều này khiến họ không đủ điều kiện nhận các khoản vay phát triển mới nhất là trong thời kỳ bị quốc tế cấm vận. Tình hình công nợ của Myanmar nay được khai thông sẽ mở đường cho quốc gia bị tai tiếng về nợ nần này một cơ hội nhận viện trợ quốc tế nhằm kích thích nền kinh tế èo uột, nhất là việc sử dụng nguồn vốn này cho các chương trình phát triển và giảm nghèo. Có thể nói quá trình đổi mới không thể đảo ngược của Myanmar đang có sức hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài tìm đến cho dù miền đất này giàu nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít rủi ro.

Ảnh minh họa: leopardcapital

Giống như Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa, nhiều đoàn nghiên cứu và các quỹ đầu tư đã bắt đầu những bước thăm dò thị trường Myanmar. Nhiều ngành dịch vụ với các tên tuổi lớn như KPMG, Delloite, Pricewaterhousecooper đã có văn phòng ở Rangoon, thủ đô cũ nay được xem là trung tâm kinh tế tài chính của Myanmar thời kỳ mới. Các nhà đầu tư phương Tây tỏ ra bén nhạy trong việc nắm bắt tình hình. Cụ thể như Coca Cola, Pepsi Cola, Master Card, Western Union cũng như các hãng mỹ phẩm nỗi tiếng châu Âu đã đặt chân vào thị trường này và chuẩn bị tung ra hàng loạt sản phẩm.

Người ta cũng thấy một đột phá của các ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống, biểu hiện qua số giấy phép đầu tư dành cho người trong nước và các tour du lịch mà chủ yếu là du lịch văn hóa hoạt động nhộn nhịp do Myanmar là đất nước của chùa chiền. Khách sạn Trader nỗi tiếng ở trung tâm Rangoon với giá 400 đôla/ngày vẫn không đủ phòng cho các "ông lớn" thuê làm văn phòng hoặc nghỉ ngơi. Nhiều khách sạn hai năm trước đây giá khoảng 70 đôla nay đã tăng giá gấp ba lần mà vẫn đông khách.

Các đường phố lớn ở Rangoon thay da đổi thịt nhanh chóng với nhiều công trình xây dựng đang mọc lên, chẳng hạn khu thưong mại Parkson dự kiến sẽ khai trương vào tháng 4 này. Nhà hàng sang trọng cũng xuất hiện nhiều, giá cả dù không đắt như ở TP.HCM nhưng dù sao vẫn cao so với thu nhập trung bình. Hai năm trước, chế độ tem phiếu vẫn còn được áp dụng ở đây, nhưng nay đã xuất hiện nhiều siêu thị trong đó Citymark là hoành tráng hơn cả. Ở Rangoon, điện thoại di động là biểu hiện của "đẳng cấp" cho dù để có một simcard chỉ mất 200 USD.

Thực tế đó cho thấy một tiềm năng kinh doanh ở đây rất lớn cho dù luật lệ của nước bạn trong chừng mực vẫn còn dè dặt với các nhà đầu tư nước ngoài như thời kỳ đầu mở cửa. Chẳng hạn, người nước ngoài không được đầu tư vào ngành giáo dục, không được mở nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, khai thác mỏ, ngân hàng phải dưới hình thức liên doanh với trong nước và chỉ được liên doanh với một đối tác duy nhất khiến các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng người Myanmar vẫn còn thái độ dè dặt trước một tình hình diễn biến quá nhanh.

Tuy Luật Đầu tư được đánh giá có nhiều thông thoáng nhờ quyết tâm của chính phủ, nhưng cũng giống Việt Nam trước đây, việc thực thi không phải lúc nào cũng thuận lợi do tình trạng "phép vua thua lệ làng".

Một hạn chế khác mà công cuộc phát triển của Myanmar cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải là vấn đề chất lượng lao động. Nguồn nhân lực cao cấp khan hiếm do hậu quả của giáo dục và tình hình cấm vận mấy chục năm qua. Tình hình này có thể nhìn thấy qua một vài hiện tượng về chuyển dịch lao động cụ thể. Hai năm trước đây một doanh nghiệp ở Rangoon chỉ trả 200 đôla cho một kế toán trưởng, nay vẫn người ấy sau một thời gian làm việc biết thêm được một vài kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm đã có thể kiếm việc ở nơi khác với mức lương 700 đôla. Một vài doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với người bản xứ đã phải đưa nhân lực cao sang làm việc tại Myanmar, có thể trả lương đến 1.000 đôla nhưng được một điều là ổn định và dễ chia sẻ khó khăn với nhau hơn.

Với lao động giản đơn thì tha hồ tuyển dụng với giá khoảng 80 đôla. Ở nước bạn Myanmar năng suất lao động phổ thông không cao do hệ quả của hệ thống giáo dục bị gián đoạn nhất là trong giai đoạn 1988-1990. Lúc đó chính quyền quân phiệt đóng cửa các trường đại học và sau đó dời ra khỏi Rangoon vì cho rằng sinh viên ủng hộ bà Suu Kyi chính là mối đe dọa chính phủ. Bên cạnh đó tình trạng cấm vận khiến khoa học kỹ thuật tiên tiến không vào được Myanmar. Thực tế này khiến việc đào tạo nhân lực trở nên què quặt mà chính quyền hiện nay đang ra sức cải thiện nhưng phải còn lâu mới lấp được khoảng trống. Một vài nhà phân tích cho rằng, về điều này Myanmar không bằng Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa, vì dù sao chúng ta cũng còn được Liên xô cũ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, một lực lượng sinh viên đi học ở các Nước XHCN về, cũng như một đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực được đào tạo thời chế độ cũ.

Nhiều người cho rằng khi đồng vốn đầu tư vào Myanmar thì việc giải quyết nhân lực càng trở nên căng thẳng.Và biết đâu đây lại là một cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng nhân lực cao cấp của chúng ta.

Cho đến nay, phần lớn các chuyến thăm dò thị trường của doanh nghiệp chúng ta còn mang tính chất tham quan và những lần "cưỡi ngựa xem hoa" như vậy thì không thể có được câu trả lời cho những người làm ăn nghiêm túc. Do đó rất cần những cuộc thâm nhập sâu vào thị trường này để từ đó giúp doanh nghiệp tìm thấy lĩnh vực nào, phân khúc nào phù hợp với thực lực của mình hơn cả; nhận biết được đối thủ cạnh tranh là những ai? Có thể hóa giải tình trạng tham nhũng, tệ nạn "phép vua lệ làng" ở Myanmar bằng kinh nghiệm sẵn như ở ta không? Làm sao để lách Luật đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế của nước bạn (Luật đầu tư mới của Miến Điện ra đời nhằm giải quyết bài toán kinh tế xã hội thời mở cửa khá với luật cũ nhằm bảo vệ thể chế)?. Từ những trải nghiệm trong nước thì đâu là những bài học thực tế có thể vận dụng ở Myanmar?

Những câu hỏi này là một mớ bòng bong đối với doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Myanmar nếu không có hỗ trợ từ những công ty tư vấn. Đáng tiếc, điều này ta vẫn chậm chân hơn tất nhiều so với các nhà đầu tư khác đến từ các quốc gia trong khu vực và phương Tây.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/tu-lieu-suy-ngam/2013-02-25-myanmar-thoi-ky-dau-mo-cua