Mỹ vật lộn hút khách Trung Quốc mua hàng hiệu

Các DN kinh doanh hàng cao cấp tại Mỹ đang tìm mọi cách hút khách Trung Quốc, từ sử dụng nhân viên bán hàng nói tiếng Trung, đến thiết kế các sản phẩm phục vụ riêng khách Trung Quốc, thậm chí là tăng lượng visa cấp cho khách Trung Quốc vào Mỹ.

Hồi tháng 1, một nhóm khách du lịch đến New York đã được mời dự một buổi hòa nhạc riêng với pianist hàng đầu thế giới Lang Lang ngay tại cửa hàng của Montblanc và sau đó tham dự một chương trình thời trang có sự tham dự của các nhà thiết kế danh tiếng như Oscar de la Renta và Diane Von Furstenberg, cùng một tour thăm văn phòng chính thức của Esteé Lauder. Họ không phải là ngôi sao, không phải là quan chức chính phủ. Họ là những khách du lịch giàu có đến từ Trung Quốc.

Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, mặc dù những thương hiệu cao cấp đã bắt đầu mở cửa hàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải từ nhiều năm trước, dân shopping vẫn tìm mua các sản phẩm cao cấp ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Giá cả là lý do chủ yếu: do thuế ở Trung Quốc cao, giá hàng hiệu ở Trung Quốc có khi cao gấp 3 lần ở Mỹ.

Các cửa hàng cao cấp ở châu Âu đã phục vụ khách du lịch Trung Quốc từ nhiều năm nay. Hiện các nhà bán lẻ hàng hiệu tại Mỹ đang cố gắng thuyết phục khách du lịch Trung Quốc rằng người Mỹ cũng có thể tạo ra hàng hiệu cao cấp.

Nhiều cửa hàng cao cấp có nhân viên bán hàng nói tiếng Trung phục vụ riêng khách hàng TQ.

Phó Chủ tịch công ty có hệ thống các cửa hàng đồ cổ Macklowe Gallery, Ben Macklowe cho biết, "Châu Á dang ngày càng thịnh vượng và bạn có thể nhìn thấy rõ sự thịnh vượng này qua danh sách khách mua hàng trên đại lộ Madison"

Theo Bộ Thương Mại Mỹ, khách Trung Quốc du lịch Mỹ lên đến gần 1,1 triệu và khách Trung Quốc đang trở thành một trong những nhóm khách đông nhất tại Mỹ. Theo Hiệp hội Du lịch Mỹ, số lượng khách du lịch được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi từ nay cho tới năm 2014. Một du khách Trung Quốc trung bình "chịu chi" khoảng 6.000 USD cho mỗi chuyến du lịch tại đây, so với con số 4.000 USD mà du khách từ các nước khác tiêu dùng khi đến Mỹ. Hiệp hội cho biết, chi tiêu của khách du lịch chủ yếu dành cho hoạt động mua sắm.

Tiffany là nhãn hiệu đóng góp một phần tư doanh thu của Hoa Kỳ trong năm ngoái từ khách du lịch nước ngoài. Hãng đã tuyển thêm các nhân viên bán hàng có thể nói tiếng Trung Quốc phổ thông làm việc tại các cửa hàng lớn của hãng. Tương tự, hơn một nửa doanh số bán hàng tại các cửa hàng lớn nhất của hãng Burberry là cho khách du lịch. Đại diện văn phòng tại Manhattan của hãng Tourneau gần đây đã mời các quan chức thành phố New York đi thăm Trung Quốc để khuyến khích khách Trung Quốc du lịch tới New York.

Tại các cửa hàng tại của mình, Montblanc đang bán các loại bút chủ đề năm Rồng và luôn sẵn có các nhân viên bán hàng nói được tiếng Trung. Mont Blanc cũng in cuốn catalogue bằng tiếng Trung Quốc và bán ví có kích thước hợp với kích thước đồng NDT của Trung Quốc.

Pianist Lang Lang trong catalogue sản phẩm của Mont Blanc được in bằng tiếng Trung.

Mặc dù đã có hơn 100 cửa hàng ở Trung Quốc, Montblanc vẫm tìm cách hút kháh cmua hàng Trung Quốc khi họ đi nghỉ ở nước ngoài.

"Montblanc đã có mặt tại hầu khắp các thành phố lớn, nhưng khi bạn đi du lịch, bạn luôn ở trong tâm trạng thưởng thức và trải nghiệm những khoảnh khắc", ông Jan-Patrick Schmitz, Giám đốc Điều hành của Montblanc khu vực Bắc Mỹ nhận định. "Chúng tôi chắc chắn sẽ làm tiếp thị nhiều hơn và nhiều hơn nữa đối với khách Trung Quốc."

Các nhà bán lẻ tại Mỹ dường như đã tụt hậu sau các nước khác. Một phần là do các vấn đề thị thực, người dân Trung Quốc dễ có được thị thực sang châu Âu hơn là sang Mỹ. Các nhà bán lẻ các hàng cao cấp của Mỹ như Saks Fifth Avenue và Bloomingdale đang thúc giục chính phủ đẩy nhanh quá trình cấp thị thực. Tổng thống Obama cho biết, ông có kế hoạch tăng khả năng xử lý hồ sơ xin thị thực từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil lên 40% trong năm nay.

Các cửa hàng Mỹ cũng phải vượt qua một định kiến rằng hàng sang trọng chỉ có thể đến từ các nước văn minh lâu đời như châu Âu.

"Ở các thương hiệu của châu Âu, khách hàng tìm thấy uy tín, lịch sử, di sản", Sunny Wong, Giám đốc quản lí nhóm của Trinity, công ty sở hữu và quản lý nhiều thương hiệu châu Âu tại Trung Quốc cho biết. "Trái lại, khách hàng tìm thấy ở các thương hiệu của Mỹ tính thời thượng, đời thường, hơn là sự sang trọng thuần khiết.", Wong nói thêm.

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-04-16-my-vat-lon-hut-khach-trung-quoc-mua-hang-hieu