Mỹ và NATO có đánh Syria?

Lực lượng quân sự Mỹ ở vùng vịnh

(CATP) Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria vẫn phức tạp. Những xung đột bạo lực đang diễn ra như một hình thức nội chiến. Người ta đang phấp phỏng lo âu liệu Mỹ và NATO có can thiệp vào Syria theo kiểu “mô hình” Libya không.

Theo báo chí Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị triển khai một lực lượng quân sự lớn tại vùng vịnh để sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mới trong khu vực. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở vùng vịnh sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào tháng 12 tới. Khả năng phái nhiều tàu chiến tới khu vực này cũng được xem xét. Mỹ còn chủ trương mở rộng quan hệ quân sự với sáu quốc gia thành viên của Liên đoàn Ảrập ở vùng vịnh, như Ảrập Xêút, Kuwait, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Oman. Những kế hoạch nói trên đã được thảo luận trong nhiều tháng qua và trở nên khẩn cấp sau khi Tổng thống Obama thông báo sẽ rút những binh sĩ còn lại của Mỹ tại Iraq vào cuối năm nay, một động thái nhằm thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2008. Kế hoạch trên bao gồm việc triển khai những đơn vị mới ở Kuwait để đối phó với tình huống nguy hiểm đe dọa an ninh ở Iraq hoặc đối đầu quân sự với Iran và Syria. Trong đó, Syria dường như đang là mục tiêu trước mắt bởi nước này bị coi là “mối đe dọa” và nằm trong tầm ngắm “buộc phải thay đổi chế độ” từ Mỹ và NATO, giống như những gì họ đã tiến hành ở Libya.

Tạp chí Âu - Á (Mỹ) cho rằng, xâm lược Syria là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến tranh lớn hơn chống Iran, quốc gia mà Mỹ coi là một trong những đối thủ cạnh tranh chủ yếu đe dọa sự thống trị của Mỹ ở hai khu vực nhiều dầu lửa là vùng vịnh và Trung Á.

Mặc dù Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã loại bỏ khả năng áp đặt một vùng cấm bay tại Syria như kiểu chiến tranh ở Libya, nhưng NATO sẽ đưa ra quyết định đối với từng trường hợp.

Kế hoạch của Mỹ và thái độ của phương Tây đã gây ra những lo ngại đối với giới chức quân sự và chính trị Mỹ cũng như một số nước ở vùng vịnh rằng nó có thể khiến cho tình hình an ninh ở khu vực này trở nên bất ổn hoặc tồi tệ hơn. Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 30-10 cảnh báo sự can thiệp của phương Tây vào Syria sẽ gây ra “địa chấn” trong khu vực và đã yêu cầu sự hỗ trợ của Nga.
Nga và Trung Quốc một mặt yêu cầu chính quyền Syria hiện nay cải cách để ổn định đất nước, nhưng mặt khác phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, nhất là lợi dụng Liên hợp quốc. Ngày 1-11 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ phản đối hành động can thiệp quân sự kiểu như Libya đối với chế độ Syria.

Dư luận Trung Đông và quốc tế không muốn chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thảm khốc nữa ở khu vực này.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=423578&mod=detnews&p=