Mỹ ủng hộ vũ trang Ukraine: Lời xã giao, Kiev đừng mơ?

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ hứa hẹn viện trợ cho Ukraine trong lực lượng vũ trang nhưng chỉ là lời xã giao và Ukraine hãy thôi mơ mộng.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Wark đã gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin tại Lầu Năm Góc tuần qua và thảo luận sự hỗ trợ của Mỹ nhằm tăng cường tiềm năng quân sự Ukraine.

Thông báo từ phía Lầu Năm Góc cho hay phía Mỹ vẫn ủng hộ nghiêm túc độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và muốn tăng cường tiềm lực vũ trang cho quốc gia này.

Viện trợ quân đội Mỹ sang Ukraine chỉ là xã giao.

"Ông Wark đã nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ vẫn muốn ủng hộ nghiêm túc tính độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như tăng cường tiềm lực của Các lực lượng vũ trang Ukraine. Bên cạnh đó, ông kêu gọi Ukraine trung thành với các biện pháp cải cách hứa hẹn đem lại hiệu quả phát triển cho các doanh nghiệp quốc phòng"- phát ngôn viên Lầu Năm Góc Courtney Hillson thông báo.

Cam kết từ phía chính quyền mới ở Mỹ lại thêm một lần thắp ngọn lửa hy vọng từ Ukraine về khả năng tăng cường lực lượng vũ trang cũng như sự quan tâm của chính quyền ông Donald Trump đối với quốc gia biên giới Nga.

Dẫu vậy, cuộc gặp của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine không nhắc tới gói viện trợ, một số tiền mà Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine hay bằng cách nào trong thời gian tới.

Đầu tháng 6/2016, Ukraine đã bày tỏ tự tin về việc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine được xem xét đặt vào trong ngân sách năm 2017 của Mỹ.

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Valery Chalyi tiết lộ: "Chúng tôi hợp tác rất tích cực trong lĩnh vực mua sắm vũ khí. Tôi sẽ không tiết lộ tất cả các chi tiết, các thỏa thuận đang được lên kế hoạch. Nhưng quan trọng không đơn giản chỉ là cung cấp vũ khí phòng thủ gây chết người, điều đã được xem xét trong ngân sách năm 2017 ở quy mô lớn, mà còn là hợp tác chiến lược lâu dài trong việc mua sắm vũ khí của nhau".

Song cũng cần nhắc thêm, khoản viện trợ cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine vốn được xem xét nằm trong ngân sách chi tiêu của Washington đã từ vài năm nay.

Hồi năm 2015, Mỹ đã làm Ukraine nhen nhóm hy vọng khi thông báo Tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama ký thông qua dự luật ngân sách năm 2016 trong đó có điều khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 300 triệu USD.

Theo chương trình này, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại, trong đó có các hệ thống chống tăng. Tuy nhiên, cách thức thực hiện chương trình này sẽ được giới chức chính trị của Mỹ quyết định.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi đó đã hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo Mỹ. “Cảm ơn Tổng thống Obama vì sự giúp đỡ quân sự to lớn này! Đây là ví dụ điển hình cho tình đoàn kết và sự hỗ trợ của Mỹ”- ông Poroshenko viết trên Twitter.

Tuy nhiên, sau đó, Ukraine đã nhận được những quân trang "hết đát" từ 30-40 năm trước và không thể dùng được.

Mặc những lời khen ngợi dành cho cựu Tổng thống Obama, ngày 3/1 vừa qua, Đại sứ Ukraine tại Mỹ lại đổ hết lỗi lầm cho ông chủ Nhà Trắng da màu.

"Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine chủ yếu gồm trang phục và thiết bị quân sự xe bọc thép, radar, kính nhìn đêm, UAV và các phương tiện thông tin tầm ngắn... Thiết bị phòng thủ được chuyển cho Ukraine đã tạo cơ hội để bảo vệ tính mạng cho binh lính của chúng tôi. Nhưng, chính sách dưới thời Tổng thống Obama gây cản trở cho Ukraine, khi Kiev không nhận được vũ khí sát thương đủ mạnh từ Mỹ"- Valeriy Chaly tuyên bố.

UAV đáng cất kho của Mỹ cho Ukraine.

Cố vấn quân đội Ukraine Natan Chazin cho biết, những chiếc UAV Raven RQ-11B Analog do Mỹ trang bị cho binh sĩ Ukraine từ mùa hè năm 2016 là thực sự yếu kém về các khả năng hoạt động và chỉ đáng được cất trong kho.

Tư lệnh không quân Ukraine khẳng định RQ-11B Analog của Mỹ có nhược điểm lớn là dễ bị lực lượng ly khai bắn hạ cũng như can thiệp vào đường truyền video và dữ liệu.

"RQ-11B Analog về cơ bản đang đưa bạn về thời kỳ đồ đá của thời đại máy bay không người lái", James Lewis, Giám đốc chương trình công nghệ chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tuyên bố.

Trước đó, giới chức quân sự nước này khi đón máy bay chở hàng trăm chiếc xe Humvee trị giá hàng triệu USD hạ cánh xuống Ukraine vui mừng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu khi từng chiếc xe bọc thép lần lượt được di chuyển xuống bãi đáp.

Các xe bọc thép quân sự được trang bị các bánh lốp cũ và đã bị mòn, một thời gian chạy bị vỡ bánh. Bánh xe thay thế lại không có cùng loại ở Ukraine. Do chất lượng nhiên liệu diesel không tốt, nên các bộ lọc nhiên liệu trong động cơ của xe nhanh chóng bị tắc nghẽn và phải thay thế.

Ukraine hãy thôi mơ mộng

Việc chính quyền mới của Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine được giới chức Ukraine đánh giá cao song với những gì mà Mỹ đã thực hiện trước đây, nỗ lực của ông Obama và sự từ chối của Quốc hội Mỹ về cung cấp vũ khí sát thương sẽ vẫn còn tiếp diễn dưới thời ông Donald Trump.

Trong khi Mỹ vẫn hứa hẹn nhiều hơn cho Ukraine, châu Âu đã thể hiện sự nghiêm túc hơn trong xem xét việc ngăn chặn các khoản tài trợ quốc gia vào Ukraine bởi tình hình chống tham nhũng ở quốc gia này dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" suốt 3 năm sau chính biến Maidan.

Trang Pravda Report hôm 16/2 dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu cho thấy, 3 năm sau Maidan, chính quyền Ukraine vẫn thất bại trong việc thực hiện lời hứa chống tham nhũng dù được nhận nhiều hỗ trợ tài chính.

Lần cam kết này của chính quyền ông Trump chỉ là một lời xã giao đầy thân thiện và mang tính hợp tác. Việc Mỹ sẽ nâng cấp các gói viện trợ cho Ukraine thực sự là điều khó xảy đến với một nhà lãnh đạo có xu hướng thân Nga như ông Donald Trump.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-ung-ho-vu-trang-ukraine-loi-xa-giao-kiev-dung-mo-3329337/