Mỹ - Úc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mới

Một thiết bị bay có tốc độ di chuyển khoảng 1 dặm/giây đã được khai hỏa thành công từ một bệ phóng tên lửa ở thị trấn Woomera (phía Nam nước Úc).

Tên lửa siêu thanh rời bệ phóng. Ảnh cắt từ video

Theo RT, cuộc thử nghiệm được tiến hành vào đầu tháng 7 tại thị trấn Woomera (phía Nam nước Úc), trong khuôn khổ chương trình Nghiên cứu Thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh quốc tế (HiFIRE).

Video ghi lại quá trình thử nghiệm được đăng tải bởi một thành viên tham gia dự án vào ngày 13/7.

 Nguồn: RT

Chuyến bay thử nghiệm có mã HyShot 5 (hoặc HiFIRE 4). Đây được coi là thử nghiệm phức tạp nhất trong số tất cả các thử nghiệm được HiFIRE tiến hành từ trước đến nay.

Trong một tuyên bố chúc mừng phát đi ngày 10/7, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne đã gọi cuộc thử nghiệm trên là một "thành công lớn”, giúp các đồng minh “tiến gần hơn đến việc thực hiện các chuyến bay siêu thanh”.

Chương trình HiFIRE được đầu tư khoảng 54 triệu USD, có sự tham gia của Không quân Mỹ, Tập đoàn Boeing, BAE Systems, Tổ chức Khoa học - Công nghệ Quốc phòng Úc và Đại học Queensland.

Mục đích của HiFIRE là nhằm nghiên cứu và thí điểm vũ khí có thể bay nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh – khoảng từ 3.836 dặm đến 7.700 dặm/giờ.

Theo Independent, một tên lửa siêu thanh có thể di chuyển được quãng đường khoảng 1.000 dặm chỉ trong tối đa 17 phút. Mặc dù nhiều tên lửa đạn đạo có thể bay nhanh hơn, nhưng quỹ đạo điển hình của tên lửa loại này có thể khiến chúng dễ bị phát hiện bởi các vệ tinh cảnh báo sớm.

Trong khi đó, các loại tên lửa siêu thanh được đánh giá là khó bị theo dõi hơn. Bởi khi tên lửa đạt tới độ cao nhất định và đạt tốc độ siêu âm, động cơ tăng cường sẽ bị loại bỏ và động cơ scramjet sẽ được kích hoạt, đẩy tên lửa bay với tốc độ gấp 5-6 lần vận tốc âm thanh.

Đường bay phẳng của tên lửa siêu thanh, cùng khả năng thay đổi hướng khi đang bay khiến việc đánh chặn tên lửa loại này khó khăn hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo.

Việc phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ kẻ thù.

Trước đó, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội vào tháng 5, Đô đốc Hải quân Mỹ, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Harry Harris bày tỏ mối lo ngại về chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc. “Điều chúng ta cần làm là phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh của riêng mình và tăng cường hệ thống quốc phòng để chống lại các cuộc tấn công từ kẻ thù”, ông Harris nói.

Minh Hạnh

Theo RT, Independent

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/my-uc-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-sieu-thanh-moi-1168196.tpo