Mỹ - Trung tăng cường cấm vận, Triều Tiên sẽ khác?

Triều Tiên đã tiếp tục thử tên lửa bất chấp các động thái đe dọa kinh tế của cả Trung Quốc và Mỹ.

Reuters ngày 22/5 thông tin, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên sau vụ phóng thử tên lửa mới nhất hôm 21/5.

Theo đó, Ngoại trưởng Tillerson đã gọi vụ thử nghiệm mới trên là “đáng thất vọng” và “phiền phức”.

Mỹ - Trung càng gia tăng trừng phạt, Triều Tiên "bất chấp"?

Ông cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang gây sức ép với Bình Nhưỡng chỉ như màn dạo đầu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng không tiết lộ động thái mới trước những thách thức từ phía Triều Tiên.

“Chúng tôi mới chỉ ở bước đầu trong việc gây sức ép về kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên. Tôi hy vọng Bình Nhưỡng sẽ nhận được lời nhắn nhủ rằng, việc đi theo con đường phát triển vũ khí hạt nhân sẽ không phải là cách để đạt được sự an ninh tối đa” - ông Tillerson nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng cảnh báo việc không loại trừ bất kì phương án nào nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trước các sức ép gia tăng từ cả phía Mỹ và Triều Tiên, Bắc Kinh cũng đã tỏ rõ sự gấp gáp này.

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 22/5 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump cho nước này 100 ngày để tăng cường các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh chống Triều Tiên, trước khi Mỹ có bất kỳ hành động cụ thể nào.

Theo báo trên, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã yêu cầu phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nếu không các doanh nghiệp của Trung Quốc đang giao thương với Triều Tiên sẽ bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ.

Đáp lại yêu cầu, Chủ tịch Tập đề xuất một kế hoạch 100 ngày, theo đó, Bắc Kinh sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên Triều Tiên để tìm giải pháp cho các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa bất chấp đe dọa trừng phạt.

Với những động thái của Bình Nhưỡng diễn tiến như hiện nay, dường như các động thái trừng phạt này không mang lại nhiều hiệu quả.

Mỹ hiện đang tìm các phương pháp ngoại giao để mở cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong khi phía Triều Tiên ra điều kiện cho rằng, Mỹ cần rút lại các chính sách thù địch với Triều Tiên trước khi cuộc hội thoại có thể diễn ra.

Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong, rút lại các chính sách thù địch hướng đến Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết tất cả các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim In Ryong cũng nhấn mạnh, Mỹ cần phải thực hiện bằng hành động cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là những lời nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây còn thừa nhận rằng, sẽ là thảm họa nếu xảy ra xung đột quân sự với Triều Tiên.

"Cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép lên Triều Tiên và sẽ tiếp tục thực hiện điều này. Tuy nhiên, một giải pháp quân sự sẽ là thảm kịch. Hiện Mỹ đang phối hợp với Liên Hợp Quốc và các đối tác để tìm ra giải pháp cho vấn đề này”, ông Mattis nói.

Dẫu vậy, bất chấp các phản ứng tăng cường trừng phạt, dường như Mỹ vẫn đang "bó tay" với các phản ứng liên tiếp và mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng. Mỹ sẽ mất bình tĩnh và rơi vào vòng xoáy ở Tây Thái Bình Dương hay tiếp tục vòng quanh tìm con đường ảnh hưởng quốc tế để gây sức ép với Triều Tiên, dù biết điều đó đồng nghĩa với việc tự rút lui trước quốc gia bị cô lập này.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my--trung-tang-cuong-cam-van-trieu-tien-se-khac-3335919/