Mỹ - Triều và căng thẳng kinh tế toàn cầu

Mặc dù Triều Tiên đã hoãn kế hoạch phóng tên lửa tấn công Guam, Trung Quốc đã đồng ý cấm vận Bình Nhưỡng, nhưng căng thẳng này vẫn có thể “nóng” lại bất cứ lúc nào...

Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, cuộc chiến xảy ra sẽ tác động rất nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trước hết, phải khẳng định để có thể tự bảo vệ mình, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và coi đây là quân bài chiến lược nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại không cho phép Bình Nhưỡng sở hữu được vũ khí có thể hủy diệt các thành phố của Mỹ.

Thực tế, Triều Tiên đã liên tục thử các loại tên lửa trong thời gian gần đây, đặc biệt đã hai lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng trước và tuyên bố đã đủ sức bắn tới Mỹ, và các chương trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đã khiến cho căng thẳng Mỹ - Triều ngày càng gia tăng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu xem xét, nhìn nhận những yếu tố cơ bản thì có thể nhận thấy rằng, rất khó có khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nếu cuộc chiến Mỹ - Triều xảy ra, sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong sản xuất và thương mại trên toàn thế giới.

6 lý do khiến cuộc chiến chưa thể xảy ra

Thứ nhất, tình hình hiện tại ở cả hai quốc gia đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất về người nếu cuộc chiến xảy ra không cho thấy những động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến sắp xảy ra.

Thứ hai, vị trí địa lý của Triều Tiên sẽ khiến Mỹ sẽ không nhận được sự đồng thuận của các Đồng minh mặc dù biết rằng việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa đến an ninh của họ.

Thứ ba, cho đến thời điểm hiện nay, Triều Tiên vẫn đang là quốc gia bí ẩn nhất thế giới, thông tin về Triều Triên đang là hạn chế rất lớn cho việc Mỹ và các quốc gia đồng minh có cơ sở xây dựng kế hoạch và đưa ra được quyết định chính xác.

Thứ tư, mặc dù lên án Triều Tiên và ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với đồng minh, nhưng chắc chắn Trung Quốc, Nga sẽ là vẫn hai quốc gia luôn bảo vệ Triều Tiên và tình huống xấu có thể xảy ra thì họ sẽ có những biện pháp can thiệp nhằm hạn chế khả năng xảy ra cuộc chiến trên thực tế.

Thứ năm, cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến với Triều tiên sẽ là rất lớn cả về người và chi phí. Quan trọng hơn là Mỹ không thể dự ước, tính toán được bằng con số cụ thể.

Thứ sáu, bản thân nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng biết đâu là điểm dừng để tránh một cuộc xung đột thực tế và chắc chắn Triều Tiên sẽ không dám chủ động thực hiện động thái gây hấn trực tiếp như một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Đảo Guam mà nước này từng tuyên bố rằng đã vạch ra kế hoạch trình Nhà Lãnh đạo Kim Jong-un.

Kinh tế toàn cầu chao đảo

Dù rằng một cuộc động binh thật sự giữa hai quốc gia này rất khó có khả năng xảy ra, nhưng giới phân tích và học thuật cũng đã rất nghiêm túc xem xét, thảo luận về những tác động đối với kinh tế thế giới nếu cuộc chiến xảy ra. Tất cả đều thấy rõ ràng, tác động lớn nhất và quan trọng nhất của xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên đều sẽ là một sự mất mát khổng lồ về cả người và tài sản.

Tác động đầu tiên và lớn nhất chính là kinh tế Mỹ, nếu xét theo chi phí cho chiến tranh ở nước ngoài và lan tỏa tới toàn bộ kinh tế toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, cuộc chiến ở Syria đã khiến cho quốc gia này bị sụt giảm 60% GDP, và tiêu tốn của Mỹ khoảng 5% GDP; cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953), khiến 1,2 triệu người dân Hàn Quốc thiệt mạng và GDP của quốc gia này bị giảm khoảng 90%, tiêu tốn của Mỹ tới gần 4,2% GDP và cuộc chiến Iraq đã khiến quốc gia này giảm gần 70% GDP và tiêu tốn của Mỹ khoảng 5,4% GDP...

Cuộc xung đột xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại của các nước chịu tác động trực tiếp là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của 4 nước này chiếm tới 31,2% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu và chiếm 29,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Một mối nguy cơ khác nữa là cuộc chiến sẽ làm tê liệt các tuyến đường vận chuyển hàng hóa chính dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc - quốc gia chiếm tỷ trọng thương mại lớn nhất toàn cầu. Việc ra vào các cảng biển của Trung Quốc sẽ trở nên quá nguy hiểm cho các tàu hàng và điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế và thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, nếu cuộc chiến xảy ra thì thiệt hại về kinh tế thương mại chắc chắn sẽ là rất lớn vì các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - các quốc gia này đều sẽ chịu tác động và ảnh hưởng rất nặng nề nhất nếu cuộc chiến xảy ra. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu sang 4 nước này chiếm tới trên 46% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

TS. Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương)

Theo DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/my--trieu-va-cang-thang-kinh-te-toan-cau-215305/