Mỹ mưu trả đũa Nga bằng 'vũ khí kỹ thuật số'

Theo The Washington Post, một vũ khí kỹ thuật số có sức mạnh tương đương một quả bom hạt nhân đã được “lên kế hoạch” cài đặt vào hệ thống mạng máy tính nước Nga và sẽ được kích hoạt trong tình huống gia tăng căng thẳng cực điểm mối quan hệ với Nga.

Cố vấn an ninh Nhà Trắng Susan E. Rice đang nghiên cứu tài liệu trong văn phòng.

Trong điều kiện gia tăng căng thẳng với Nga hoặc một quốc gia – đối thủ tiềm năng nào đó, tổng thống đương nhiệm Donald Trump có thể phê duyệt để hiện thực hóa dự án này.

Vũ khí không gian mạng mới này được "giải mật" vào tháng 11.2016 trên kênh truyền hình Mỹ NBC News Mỹ. Theo thông tin được công bố, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có thể tắt nguồn điện và cắt mạng Internet tại tất cả các thành phố của Nga.

Việc phát triển và cài đặt "bom kỹ thuật số" vào hệ thống máy tính và mạng lưới điện quốc gia Liên bang Nga được cho là đòn "báo thù" của Obama và đảng Dân chủ đối với cái gọi là "sự can thiệp" của điện Kremlin trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các cựu lãnh đạo Mỹ, theo Washington Post, nhận được thông tin từ CIA và sau đó là FBI, chứng minh rằng Tổng thống Nga Putin đích thân ra lệnh cho cơ quan tình báo Nga gây tổn hại cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton và "giúp đỡ" đối thủ - Donald Trump.

Video Washington Post về khủng hoảng bầu cử đảng Dân chủ Mỹ

Washington Post cho biết đầu tháng 08.2016, một phong bì siêu mật được gửi bằng đường chuyển phát nhanh từ CIA đến Văn phòng Nhà trắng với những giới hạn tối thiểu người được biết nội dung bên trong của bản báo cáo. Đó là tổng thống Mỹ Barack Obama và 3 trợ lý thân cận của ông. Theo Washington Post, bên trong của phong bì là một bản báo cáo lấy từ chính phủ Nga, cho thấy sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chiến dịch tấn công không gian mạng nhằm phá vỡ và làm mất uy tín cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ.

CIA đã đi xa hơn thế, theo bài báo này, Cục tình báo Trung ương Mỹ đã nắm bắt được những chỉ dẫn cụ thể của Putin về các mục tiêu táo bạo của chiến dịch, đánh bại hoặc ít nhất là làm tổn thương ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và hỗ trợ chiến dịch bầu cử cho Donald Trump.

Theo truyền thông Mỹ, các hacker được cho là có quan hệ với các cơ quan tình báo Nga đã sục sạo trong mạng máy tính của đảng Dân chủ, cũng như một số hệ thống máy tính của đảng Cộng hòa trong hơn một năm. Tháng 7.2016, FBI mở cuộc điều tra về các mối liên hệ giữa quan chức Nga và các cộng sự của Trump. Ngày 22.07, gần 20.000 email bị đánh cắp từ Ủy ban Dân chủ Quốc gia Dân chủ và bị WikiLeaks bán phá giá trực tuyến.

Nhưng ở cấp cao nhất của chính phủ, trong số những cơ quan chịu trách nhiệm đối phó với cuộc khủng hoảng, CIA là cơ quan đầu tiên đưa ra những tài liệu cho rằng có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.

Tập tài liệu nhạy cảm đến mức Giám đốc CIA John Brennan lưu ý trong báo cáo hàng ngày gửi Tổng thống, lo ngại rằng thậm chí giới hạn được biết về bản báo cáo này là quá rộng. Phong bì tuyệt mật của CIA đi cùng với hướng dẫn phải được hoàn trả lại ngay sau khi được đọc. Để bảo vệ chống lại sự rò rỉ thông tin, các cuộc họp tiếp theo thảo luận về vấn đề này diễn ra trong Phòng Tình huống theo các quy trình tương tự như cuộc họp lập kế hoạch cho trận đột kích tiêu diệt Osama bin Laden.

Phải mất một thời gian để các cơ quan khác của cộng đồng tình báo chấp nhận quan điểm của CIA. Đáng chú ý là phải đến những tuần cuối cùng, chính quyền ông Obama mới thông báo với công chúng trong một báo cáo gây tò mò do không có bất cứ một thông tin nào rõ ràng, những gì mà các quan chức Nhà Trắng nhận được từ Brennan vào tháng 8 rằng ông Putin đang làm việc để ứng viên Donald Trump đắc cử.

Theo Washington Post, Mỹ đã tiến hành những hoạt động được cho là các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa 2 khu tổ hợp ngoại giao của Nga. Sau khi chính quyền Mỹ buộc Nga phải giải phóng cái gọi là các khu trại ngoại giao, các trinh sát viên của FBI đã theo dõi những đoàn xe vận tải chở đồ đạc của người Nga ra khỏi những khu vực này. Khi trong các trại ngoại giao đã trống vắng, lực lượng nhân viên đặc biệt FBI đã tiến hành cuộc điều tra và dường như phát hiện được các dấu vết như anten, các thiết bị điện tử, máy tính, tủ đựng tài liệu và các phương tiện khác.

Một điều thú vị là cho đến nay, vẫn chưa hề có bất cứ chứng cứ gì, bao gồm cả bản báo cáo được cho là lấy từ chính phủ Nga hoặc các dấu vết điện tử, khẳng định sự can thiệp của Kremlin vào cuộc bầu cử ngoại trừ những cáo buộc.

Theo Washington Post, văn phòng Tổng thống đã làm việc rất lâu trong vấn đề tiến hành các đòn “đáp trả” cái gọi là sự can thiệp không gian mạng của Kremlin. Cuối cùng Nhà Trắng quyết định lựa chọn giải pháp tấn công mạng, như một đòn đánh sập hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực then chốt của đất nước. Nhưng kế hoạch vẫn là kế hoạch được vạch ra trên giấy, do những ngày cuối cùng của bộ máy Tổng thống Obama kết thúc.

Trong một tuyên bố của Nhà Trắng vào thời điểm khủng hoảng này có nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành những biện pháp trừng phạt vào thời điểm và lĩnh vực theo lựa chọn của chúng tôi, một số trong các biện pháp sẽ không được công bố".

Tuyên bố này đề cập đến một hoạt động tấn công mạng, được thiết kế nhằm tấn công vào hệ thống máy tính nhạy cảm mà Nga buộc phải gánh chịu một số tổn thất nhất định. Nó khẳng định phát biểu của Tổng thống Obama với Tổng thống Putin, về việc nước Mỹ có năng lực vượt trội hơn Nga nhiều lần trong lĩnh vực tấn công và phòng thủ mạng không gian ảo.

Theo các quan chức Mỹ, ông Obama đã ký một quyết định bí mật, cho phép khởi động một chương trình được giữ kín hoàn toàn liên quan đến NSA, CIA và lực lượng Cyber Command Mỹ.

Trước đó không lâu, Washington Post đăng tải bài viết cho rằng các hacker Nga đã phát triển một chương trình độc hại, có khả năng đánh sập hệ thống năng lượng điện của Mỹ và khiến cho hàng triệu người Mỹ không có điện. Loại virus này được gọi là CrashOverride. Mã độc có thể thay đổi những thiết lập của hệ thống quản lý điện năng. Đặc biệt, virus sẽ rà soát toàn bộ thiết bị, các bộ chuyển mạch và cưỡng bức bật cầu dao tải điện. Virus sẽ không cho phép các nhân viên quản lý trạm biến áp điện tắt cầu dao nhằm ngăn chặn chuyển tải cưỡng bức, dẫn đến hệ thống cung cấp điện rơi vào tình trạng quá tải ở mức nguy hiểm và cắt điện.

Không rõ ràng về việc liệu các chuyên gia tấn công mạng của Mỹ (NSA, CIA, Syber Commando..) đã phát triển chương trình bom kỹ thuật số đến mức độ nào, đã được phê chuẩn của tổng thống Donald Trump hay chưa? Nhưng vụ tấn công mạng của virus WannaCry cho đến nay vẫn không thể kết luận được, nhóm hackers nào đã thực hiện nó và nhằm vào mục đích gì. Nhưng rõ ràng một quả bom kỹ thuật số như vậy sẽ khiến tất cả các quốc gia trên thế giới lo ngại. Một vụ tấn công tương tự sẽ gây ra tổn thất vô cùng to lớn, điều đó buộc các quốc gia phải phát triển những không gian mạng của riêng mình, tương tự như quân đội Nga có hệ thống Internet hoàn toàn độc lập.

Việc có thể tồn tại một quả bom kỹ thuật số ở đâu đó trong hệ thống các mạng máy tính nhạy cảm của một quốc gia có thể sẽ là một sự đe dọa đáng sợ, nhất là khi những quyết định chính trị bị ảnh hưởng bởi sức ép bên ngoài. Nhưng đáng sợ hơn tất cả là khi quả bom đó rò rỉ ra ngoài và rơi vào tay các nhóm hacker ác ý, vấn đề là các nhóm hackers thường không có biên giới ngăn cản và ranh giới hành động.

TTB

Trịnh Thái Bằng -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/my-tinh-danh-bom-ky-thuat-so-nga-de-tra-dua-can-thiep-bau-cu-127393.html