Mỹ thuật Việt Nam: Hé lộ những 'phần nổi của tảng băng'

Đây có lẽ là thực trạng đã tồn tại khá lâu trong nền mỹ thuật Việt và những lùm xùm xảy ra tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu chỉ giống như một tiếng chuông thức tỉnh muộn mằn.

Những lùm xùm kéo dài liên quan tới vụ tranh giả được trưng bày tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung thời qua đã chỉ ra rất nhiều điều của nền mỹ thuật Việt Nam. Tình trạng tranh thật, tranh giả lẫn lộn, một bức tranh có tới hai bản gốc ... không chỉ làm giảm giá trị tác phẩm của họa sỹ Việt trên thị trường tranh quốc tế mà còn làm bản thân nền mỹ thuật của chúng ta bị "mất giá". Và điều quan trọng hơn nó khiến nền hội họa mãi loay hoay trong hành trình "cất cánh" của mình.

Sự việc lần này, thực chất giống như một tiếng chuông thức tỉnh muộn mằn. Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam khi đề cập vấn đề này với PV báo Người đưa tin phải thốt lên rằng: “Chuyện tranh thật, tranh giả hiện nay vô cùng phức tạp”. Bởi theo họa sỹ này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn độn, rối rắm trên.

Thứ nhất thuộc về bản thân người họa sỹ. “Với những họa sỹ lớn, thường thì họ chỉ vẽ duy nhất một tác phẩm. Nhưng thời kỳ trước đây, đôi khi chính họ cũng làm bản phiên (tức sao chép lại một tác phẩm của chính mình – PV). Thành ra mới có chuyện có tới hai, ba bức tranh gốc của cùng một tác giả", Trần Khánh Chương cho biết.

Bức tranh Ba cô gái của họa sỹ Dương Bích Liên được kết luận là tranh giả tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, theo họa sỹ Trần Khánh Chương chính là trình trạng làm nhái tranh. “Chúng tôi hay nói vui rằng, với những họa sỹ lớn tuy đã qua đời nhưng số lượng tranh của họ lại không ngừng tăng lên. Nói vậy để thấy hiện có nhiều người bắt chước phong cách vẽ của một họa sỹ để làm tranh giả. Bằng các thủ đoạn và phương pháp, họ khiến cho dư luận lầm tưởng đấy là những bức tranh chưa từng công bố trước đó. Tất nhiên, việc bắt chước xưa nay là chỉ học theo cách tạo hình, mảng màu chứ làm sao bắt chước được cái thần của tác giả. Với người trong nghề, có kinh nghiệm họ phát hiện ra ngay. Nhưng đa phần những người bị lừa lại không am hiểu hoặc quá tin tưởng vào uy tín và lời giới thiệu của ai đó”, Trần Khánh Chương cho biết thêm.

Trong khi đó việc sao chép, bán tranh nhái hiện diễn ra quá phổ biến ở Việt Nam, từ những cửa hàng bình dân cho tới những gallery uy tín. Thế nhưng, mặc nhiên không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về các sản phẩm giả đó và cũng không có cơ quan đại diện nào đứng ra giúp phân biệt thật giả của bức tranh.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, nguyên Chủ tịch hội mỹ thuật Hà Nội cho biết: “Trước kia bảo tàng mỹ thuật định lập ra một bộ phận để cho những người có tranh đến xin đăng ký để đánh giá bức tranh. Nhưng, bộ phận này không có người nghiên cứu chuyên sâu về hóa chuyên nghiệp, vật lý chuyên nghiệp, máy móc để nghiên cứu, đánh giá bức tranh .... nên nó tự chết. Thành ra không có ai bảo lãnh về chất lượng tranh cả.

Tôi còn biết có nhiều gallery uy tín, vì muốn kiếm lợi nên dùng tranh thật làm mồi nhử, sau đó sao chép và bán tranh nhái. Nhưng chưa cần nói vấn đề đó vội. Tôi lấy ví dụ ngay tranh gốc của cụ Nguyễn Phan Chánh cũng luôn ở trong tình trạng phục chế đi phục chế lại. Vậy cái nào là bản gốc, cái nào không phải là bản gốc? Rất lộn xộn”.

Khách xem triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu

Họa sỹ Quách Phong, nguyên Tổng thư ký hội mỹ thuật Tp.HCM phân tích: "Chúng ta nên có định chế thế nào là tranh thật, thế nào là tranh giả. Sinh viên chuyên ngành hội họa ở nước ngoài được phép chép tranh thoải mái. Nhưng bên đó, họ phân biệt rất rõ thế nào là tranh chép, thế nào là tranh thật để hạn chế tối đa những tranh chấp. Chúng ta nên nghiên cứu học hỏi và xem xét tới khía cạnh này".

Cũng liên quan tới câu chuyện nêu trên, trước đó họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (bộ VH,TT&DL) từng cho biết: “Việc giao dịch, mua bán tác phẩm nghệ thuật hiện nay thường không có sự tham gia của cơ quan quản lý về thuế. Cộng với đó là tâm lý tránh đăng ký bản quyền tác phẩm nên khi xảy ra tranh chấp (nhất là khi tác giả đã qua đời) việc phân xử trở nên rất khó khăn”.

Qua những ý kiến nêu trên có thể thấy, con đường để hướng tới một nền hội họa hiện đại, minh bạch, tiệm cận với thế giới còn rất dài. Biết đâu trong tương lai, những vụ tương tự triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu sẽ còn tiếp tục xảy ra?

P. Thiệu

Ads Vitamin Genki + giúp trẻ phát triển chiều cao, bổ sung dinh dưỡng phòng bệnh tốt nhất trong mùa hè

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-thuat-viet-nam-roi-ram-chuyen-tranh-gia-tranh-that-a251308.html