Mỹ sẽ điều thêm tàu ngầm hạt nhân tới Guam đối phó Trung Quốc

(GDVN) - Mỹ sẽ tăng triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công Topeka SSN 754 lớp Los Angeles ở Guam, sau khi triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, Hải quân Mỹ

Hãng Kyodo, Nhật Bản cho biết, gần đây, Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ tăng triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công Topeka SSN 754 lớp Los Angeles ở Guam. Theo bài báo, đây sẽ là tàu ngầm hạt nhân thứ tư lớp này lấy Guam làm cảng chính.

Báo Nhật cho rằng, xét tới hoạt động trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng, hành động này của Mỹ nhằm củng cố căn cứ chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, tăng cường thể chế quân sự ở khu vực này, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Theo bài báo, tàu ngầm hạt nhân tấn công Topeka hiện đang tiến hành cải tạo lớn ở bang New Hampshire, miền đông nước Mỹ, dự kiến tiến hành triển khai sau tháng 10 năm 2014.

Hải quân Mỹ sẽ coi tàu ngầm này là một trong những biện pháp tăng cường khả năng triển khai tuyến đầu dựa trên chiến lược coi trọng quốc phòng khu vực Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công Topeka bắt đầu đưa vào hoạt động từ ngày 21 tháng 10 năm 1989, thủy thủ đoàn 140 người, lượng giãn nước trên 6.000 tấn, lắp hệ thống chỉ huy tấn công tính năng cao, có thể trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, khả năng điều khiển và chạy êm ở mặt biển đóng băng rất tốt.

Tàu ngầm này được chế tạo từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhằm đối phó với Liên Xô. Trong các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ, loại tàu ngầm này được triển khai với số lượng nhiều nhất.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Topeka lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ

Theo bài báo, triển khai tàu ngầm này ở Guam lần này nhằm nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp, đối phó với "chiến lược ngăn chặn" của Trung Quốc - chiến lược ngăn chặn quân Mỹ áp sát lãnh hải của họ.

Theo tờ chinadaily, Hải quân Mỹ vừa tuyên bố thay thế 3 tàu vận tải đổ bộ ở căn cứ Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản; nay lại tuyên bố triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân. Có nhà phân tích cho rằng, hành động này là để ứng phó với Trung Quốc. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, “tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực mà trước đây chưa từng xuất hiện”.

Về việc Hải quân Mỹ triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân, nhà nghiên cứu cao cấp Klinger của Quỹ truyền thống Mỹ (Heritage Foundation) cho rằng: “Có thể là do sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tăng cường. Những năm gần đây, Mỹ duy trì vai trò ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên rất quan trọng”.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, Hải quân Mỹ

Ngoài ra, tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 13 tháng 1 cũng có bài viết cho rằng, từ năm 2013 đến nay, Quân đội Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai quân sự tổng thể ở châu Á-Thái Bình Dương, như tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte triển khai ở Guam, 12 máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey triển khai ở Okinawa, máy bay tuần tra săn ngầm mới nhất P-8A Poseidon triển khai ở căn cứ Kadena, Nhật Bản; thậm chí điều tàu chiến mới nhất đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ trinh sát toàn diện.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, một loạt triển khai của quân Mỹ “đều tập trung cho chiến trường”, trong đó, tàu ngầm hạt nhân tấn công được quân Mỹ triển khai ở Guam có khả năng tấn công mạnh, có thể trực tiếp đe dọa các mục tiêu quan trọng của Trung Quốc ở khu vực duyên hải và trong đất liền, thậm chí đe dọa tàu sân bay Trung Quốc.

Đỗ Văn Long chỉ ra, tàu ngầm hạt nhân Mỹ triển khai ở Tây Thái Bình Dương ít nhất có thể tạo ra khả năng sát thương trên 3 phương diện:

Một là, trở thành sát thủ của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược như tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc). Hiện nay, Mỹ rất quan tâm đến lực lượng hạt nhân dưới nước của Trung Quốc, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo Cự Lang dòng 09D (Type 094) được cho là mục tiêu quan trọng hàng đầu cần săn giết của tàu ngầm tấn công triển khai ở khu vực này.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte Hải quân Mỹ

Nếu có thể xóa sổ trước những mục tiêu này ở dưới nước, có nghĩa là khả năng đe dọa hạt nhân chiến lược của chúng sẽ giảm tới mức thấp nhất.

Hai là, trở thành sát thủ của tàu sân bay. Do tàu ngầm hạt nhân tấn công có khả năng chống hạm rất mạnh, có tính năng chạy êm dưới nước rất tốt, thường rất khó phát hiện trong thời gian ngắn và trên phạm vi lớn.

Dựa vào khả năng tấn công dưới nước ưu việt, tiến hành tấn công đối với hạm đội tàu sân bay cỡ lớn trên mặt nước, có thể giành được ưu thế nhất định.

Ba là, làm sát thủ của những mục tiêu quân sự chiến lược quan trọng gần biển. Bởi vì, ngoài khả năng săn ngầm, chống hạm của tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân tấn công còn có khả năng tấn công đối đất mạnh, tên lửa Tomahawk của tàu này có thể tạo ra mối đe dọa to lớn đối với các mục tiêu cốt lõi, có chiều sâu.

Đỗ Văn Long cho rằng, quân Mỹ nếu trực tiếp triển khai tàu ngầm tấn công loại này ở trước mặt Trung Quốc, có nghĩa là một bộ phận mục tiêu quan trọng ở khu vực duyên hải và trong đất liền của Trung Quốc hiện nay đều có thể bị tấn công.

Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung Quốc.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-quoc-phong/my-se-dieu-them-tau-ngam-hat-nhan-toi-guam-doi-pho-trung-quoc-post139680.gd