Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đắc lợi thế nào?

Chính phủ Trung Quốc sẽ vui mừng chào đón thông tin Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức ở Nhà Trắng.

Trong nhiều năm qua, chính quyền của ông Obama đã khẳng định rằng TPP là thỏa thuận nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á.

Trung Quốc không tham gia TPP. TPP cho phép Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, viết ra các luật chơi của thế kỷ 21, đặc biệt quan trọng với một khu vực năng động như Châu Á - Thái Bình Dương.

TPP là một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục Châu Á của ông Obama. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng nói rằng, ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, TPP còn củng cố mối quan hệ chủ chốt giữa Washington với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực và thúc đẩy các giá trị Mỹ. "Với tôi, thông qua TPP quan trọng không kém so với một chiếc tàu sân bay khác" - ông Carter khẳng định.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh coi chiến dịch xoay trục của Mỹ sang Châu Á và TPP là một kế hoạch ngụy trang để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Cuối tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả TPP là "cánh tay kinh tế trong chiến lược địa chính trị của chính quyền ông Obama nhằm đảm bảo rằng Washington duy trì quyền tối cao trong khu vực".

Nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Giờ đây Trung Quốc sẽ hối thúc các chính phủ Châu Á so sánh độ tin cậy về những cam kết của Trung Quốc so với Mỹ.

Ngày nay, các nhà ngoại giao Mỹ không thể được tất cả ở Châu Á. Sau khhi đã khẳng định với các đối tác rằng thúc đẩy thông qua TPP sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực, nhưng vụ "lật kèo" này rõ ràng đang làm suy giảm sự lãnh đạo của Mỹ.

Nhân cơ hội này, Trung Quốc đã sẵn sàng tiến tới. Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, đã đến lúc phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ, các giải pháp hai bên cùng có lợi và các sáng kiến chiến lược.

Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà ngược lại sẽ mở rộng cửa. Các quan chức tháp tùng ông Tập không mất thời gian để tiến hành các cuộc thảo luận về những hiệp định thương mại ít tham vọng hơn mà Bắc Kinh chống lưng, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Những thỏa thuận này diễn ra song song với sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, cùng những thể chế cho vay mới phát triển như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á AIIB.

Liệu Mỹ có thể vẫn đủ tin cậy để giải cứu các đồng minh Châu Á nếu những nước này bị đe dọa bởi một Trung Quốc đang lên? Dù câu trả lời có là gì, thì chỉ cần việc các đồng minh của Mỹ đặt ra câu hỏi này cũng đã là một tin tốt lành với Trung Quốc.

V.A

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/my-rut-khoi-tpp-trung-quoc-dac-loi-the-nao-613486.bld