Mỹ rút khỏi TPP, Nga sẽ nhận quyền trượng?

Nếu TQ trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, đồng tiền NDT có khả năng được dùng thanh toán trong các giao dịch quốc tế.

PV: - Thưa ông, tuyên bố rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới bởi lẽ TPP được coi như một phương tiện xây dựng khối thịnh vượng gồm 12 nước thành viên, đứng đầu là Mỹ.

Thưa ông, vì sao Mỹ lại đóng vai trò then chốt trong TPP? Đã có đề xuất có TPP mà không cần Mỹ, điều đó có thể thực hiện được không và vì sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Chúng ta đã biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là tác phẩm của ông Obama và chính quyền Mỹ dưới thời của ông. Xây dựng TPP, ông Obama muốn thực hiện mục tiêu tái cân bằng lực lượng của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương cũng đồng thời nhằm mục tiêu kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này. Mục tiêu này đã được sự ủng hộ, thống nhất của 11 nước thành viên.

TPP là một hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử

Vì vậy, TPP không đơn thuần chỉ là một hiệp định kinh tế, thương mại giữa 12 nước thành viên với nhau mà nó còn muốn hướng tới cả khu vực của 12 nước thành viên, tạo thành một lực lượng hùng hậu cả về thương mại, chính trị nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Đó là mục tiêu và nó đưa ra các chuẩn mực chặt chẽ cho các nước thành viên phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam.

Nói riêng về Việt Nam. Việt Nam là nước nhỏ nhất và cũng là nước duy nhất có nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa tham gia vào TPP, trong khi các nước khác đều theo Chủ nghĩa tư bản.

Như vậy, TPP có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, nó sẽ đưa Việt Nam vào một môi trường quan hệ quốc tế rất mới. Vì bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, mậu dịch, TPP còn đặt ra nhưng đòi hỏi phải có sự thay đổi, đổi mới trong cải cách thể chế kinh tế, đổi mới trong các cơ cấu, thành phần kinh tế của các nước thành viên. Chẳng hạn như vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước; quan hệ lao động với các tổ chức công đoàn; vấn đề tham nhũng... Vì vậy, Việt Nam đã rất kỳ vọng khi tham gia TPP sẽ là cơ hội để cùng thay đổi với 11 nước thành viên khác.

Tôi có thể vạch ra những kịch bản có thể xảy ra nếu lời tuyên bố của ông Trump được thực hiện như sau:

Kịch bản thứ nhất, có thể sau khi phủ định TPP, ông Trump sẽ trở lại bàn đàm phán để đề xuất một hiệp định mới thay cho TPP. Và hình như ông Trump sẽ làm điều đó nhưng thay vì tập trung vào một hiệp định đa phương với 12 nước thì ông lại hướng tới đàm phán song phương với từng thành viên trong số 11 nước. Tôi dự báo, tỷ lệ xảy ra kịch bản này có thể lên tới 90%.

Kịch bản thứ hai, sau khi ông Trump phủ định TPP nhưng dưới những áp lực của Đảng dân chủ và các nước khác, Tổng thống đắc cử Mỹ có thể sẽ cân nhắc quay lại bàn đàm phán để tiếp tục hiệp định này. Tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào kịch bản này, tỷ lệ xác xuất chỉ vào khoảng 20-30%.

Kịch bản thứ 3, Mỹ không tham gia TPP và chỉ có 11 nước ngồi lại với nhau để đưa ra một hiệp định mới mà không có Mỹ.

Nếu kịch bản này xảy ra, theo tôi dự đoán tới thời điểm này chỉ có hai quốc gia có đủ khả năng đảm nhận vai trò chủ trì là Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, Canada đã không lên tiếng còn Nhật Bản đã thể hiện quan điểm không mặn mà. Như vậy, về trước mắt khó kỳ vọng Nhật sẽ lĩnh vai đầu trong kịch bản TPP mà không có Mỹ vì những lý do sau:

Với vị thế của một nước đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật dĩ nhiên có đủ khả năng chủ trì một TPP mới mà không có Mỹ. Tuy nhiên, nó không nằm trong tính toán của Nhật, và Nhật cũng chưa bao giờ có một mong muốn bành chướng thế lực của mình như mục tiêu của Mỹ với TPP. Thành ra, Nhật có khả năng nhưng không mặn mà.

Hơn nữa, về chính trị, quân sự, Nhật không phải là nước dẫn đầu. Trong khi TPP không đơn thuần chỉ là hiệp định về kinh tế, thương mại mà còn mang nhiều màu sắc chính trị nữa. Đó chính là lý do thứ nhất khiến Nhật không muốn tham gia.

Lý do thứ hai, nếu xét về cả kinh tế và chính trị Nhật không thể so sánh với Mỹ. Cả thế giới thừa nhận sự phát triển của Nhật và cả thế giới phải mua hàng của Nhật nhưng họ vẫn chưa thừa nhận Nhật là đầu tầu về kinh tế và chính trị. Trong con mắt của họ, Nhật vẫn chỉ được coi là đồng minh và đi theo sau Mỹ mà thôi. Đó là lý do thứ hai khiến Nhật không mặn mà lĩnh vai đầu trong TPP. Tuy nhiên, khả năng Nhật có đứng lên hay không vẫn chưa có gì chắc chắn 100%, kịch bản này vẫn có thể xảy ra nhưng xác xuất vẫn là 50%/50%.

Đó là 3 kịch bản có thể xảy ra, theo dự đoán của tôi. Như vậy, nếu TPP vỡ trận, rất có thể Trung Quốc sẽ mở ra một hiệp định mới. Hiệp định mới này có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại hay tan rã của TPP.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-rut-khoi-tpp-nga-se-nhan-quyen-truong-3323956/