Mỹ phẩm ta dùng là kết quả từ các thí nghiệm dã man trên động vật?

Liệu bạn còn dám sử dụng mỹ phẩm nếu biết rằng hàng trăm động vật bị chết bởi những thí nghiệm "kinh hoàng" trước khi sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng?

Hằng năm, các công ty mỹ phẩm sát hại hàng trăm triệu động vật vô tội qua việc sử dụng chúng như một "công cụ" giúp điều chế và thử nghiệm các sản phẩm mới. Họ lấy lí do đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng để thực hiện hành động này một cách hợp pháp, dù cho cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) cho rằng không cần thiết phải thử nghiệm trên động vật đối với mỹ phẩm.

Gương mặt đáng thương của chú khỉ khi sắp trở thành vật thí nghiệm.

Theo danh sách được FDA công bố, những tên tuổi mỹ phẩm lớn và nổi tiếng toàn cầu, thậm chí những hãng dầu gội quen thuộc mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày đều nằm trong danh sách sử dụng động vật để thí nghiệm. Thật sự là một kết quả bất ngờ.

Thống kê cho thấy có khoảng 17 đến 70 triệu động vật bị tra tấn và giết chết hàng năm ở các phòng thí nghiệm Châu Âu (và khoảng 115 triệu con trong các phòng thí nghiệm toàn thế giới hàng năm), cứ mỗi giây lại có một động vật chết trong phòng thí nghiệm ở Mỹ, mỗi 2 giây ở Nhật Bản, và ở Anh là 12 giây.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với thực tế, do nhiều quốc gia thu thập và công bố các dữ liệu liên quan không chính xác. Họ không công bố những động vật không nằm trong danh sách được Luật bảo vệ. Những động vật này bao gồm các loài gặm nhấm như chuột và các loài chim, trong khi hai loài này được sử dụng gần như từ 80-90% trong tất cả các thí nghiệm.

Theo báo cáo của EC vào năm 2004, gần 9.000 con vật như chuột, thỏ, heo đã bị ép phải “hi sinh” cho ngành công nghiệp mỹ phẩm ở châu Âu. Ở khu vực ngoài châu Âu, con số “nạn nhân” này có thể lên đến 15.000 - 27.000 động vật, chủ yếu là cho các thí nghiệm dành cho son môi và mascara.

Các hãng mỹ phẩm thường "thử nghiệm" động vật để đo mức độ kích ứng da, khả năng gây tổn hại và nồng độ độc tố trong những chất khác nhau có trong mỹ phẩm. Các động vật sẽ bị cạo sạch lông rồi bôi hóa chất lên da trần hoặc nhỏ dung dịch vào mắt trong 21 ngày liên tiếp để theo dõi phản ứng. Sau những thí nghiệm như thế này, dù thất bại hay thành công cũng có hàng nghìn động vật sẽ bị thương tật. Một số chết ngay trên bàn thí nghiệm, một số sẽ được đem tiêu hủy, đốt cháy, nghiền nát, giật điện, hay đầu độc bằng chất hóa học.

Những chú chó này biết rằng mạng sống của chúng chỉ được tính bằng từng giờ.

Một thí nghiệm đáng sợ "điển hình" của ngành mỹ phẩm trên động vật là thí nghiệm Draize. Người ta sử dụng những chất có khả ăn mòn da, nhỏ trực tiếp trên mắt của nhiều con thỏ vẫn còn “tỉnh” (tức là chúng sẽ phải trải qua toàn bộ quá trình đau đớn trên mà không dùng thuốc gây mê hay an thần) để đánh giá tình hình các mô mắt bị hủy hoại. Việc này gây ra những đau đớn ghê gớm cho những chú thỏ, trong suốt quá trình theo dõi, người ta thấy chúng không ngừng phát ra những tiếng kêu gần như hét rất thương tâm, và đôi khi bị gãy cả cổ hoặc lưng khi đang cố vùng vẫy để thoát khỏi sự kiềm hãm.

Chú thỏ bị tiêm thẳng chất ăn mòn da trực tiếp vào mắt...

Sau thí nghiệm, chú thỏ này phải hứng chịu nỗi đau từ hiện tượng nổi ban đỏ, phù nề, chảy mủ, loét, xuất huyết và mù lòa.

Một trong những nước ủng hộ việc dùng động vật làm thí nghiệm là Trung Quốc. Thật không thể tin rằng chính phủ nước này đã yêu cầu các công ty mỹ phẩm phải thí nghiệm trên động vật trước khi muốn phân phối sản phẩm tại quốc gia này. Các ông lớn trong ngành mỹ phẩm của thế giới đã không còn sử dụng logo Leaping Bunny (có hình ảnh chú thỏ đang nhảy), biểu tượng cho việc không sử dụng động vật thí nghiệm sau khi quyết định đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của mình tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Người ta tự hỏi không biết bao giờ những hình ảnh kinh hoàng và thương tâm của những động vật vô tội trong phòng thí nghiệm thôi không xuất hiện nữa? Chính bởi còn có những quốc gia thiếu nhân đạo đối với động vật như Trung Quốc, nên rất cần những chiến dịch bảo vệ động vật được đẩy mạnh. Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng, ngày 11/3/2013 Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm hoàn toàn việc buôn bán tất cả các loại mỹ phẩm được phát triển thông qua thử nghiệm trên động vật.

Điều đáng mừng là vẫn còn hàng trăm các tập đoàn sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng khác lên án việc thử nghiệm trên động vật và áp dụng các phương pháp thử nghiệm nhân đạo không áp dụng trên đối tượng động vật.

FDA khuyến cáo nếu bạn không muốn sử dụng các sản phẩm thử nghiệm trên động vật, hãy lưu ý rằng sản phẩm không thử nghiệm trên động vật sẽ có dòng chữ "Cruelty-free" với hình chú thỏ trên nhãn mác, cùng dòng chữ "not tested on animals".

Một số logo giúp nhận biết mỹ phẩm không sử dụng động vật làm thí nghiệm.

Theo Thethaovanhoa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/my-pham-ta-dung-la-ket-qua-tu-cac-thi-nghiem-da-man-tren-dong-vat-167152/