Mỹ phẩm giả tràn lan thị trường

Mỹ phẩm giả, nhái đang tràn lan trên thị trường và trở thành bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Mặt hàng sữa tắm Leivy Naturally (nhãn hiệu Con Dê) có đến hơn 10 sản phẩm giả, nhái, giống hệt về kiểu dáng, mẫu mã Ảnh: S. XANH “Tiền mất tật mang” vì mỹ phẩm giả Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức. Thời gian gần đây, mặt hàng mỹ phẩm giả gia tăng và đang ở mức báo động. Mới đây, lực lượng công an đã niêm phong một số lượng lớn hàng mỹ phẩm giả: hơn 2.200 hộp mỹ phẩm giả các hiệu: See Na, Young One, Mena, Ache, Extra Pearl Cream, Deetae, PC...; hàng trăm chai sữa tắm, dầu gội mang nhãn hiệu: White Care, Feira Ros...; hàng chục vỏ chai chứa thành phẩm tại khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Đại diện của Công ty TNHH Mỹ phẩm LG ViNa bức xúc: “Mỹ phẩm giả có mặt khắp nơi trên thị trường. Tại TP. Hồ Chí Minh thì có chợ đầu mối Kim Biên, Hà Nội thì tập trung tại chợ Đồng Xuân. Tại 2 chợ trên có đầy đủ mỹ phẩm giả, nhái các loại của các nhãn hiệu, đặc biệt là những nhãn hiệu nổi tiếng”. Dạo quanh một số quầy hàng mỹ phẩm tại các chợ Kim Biên, chợ Bình Tây (quận 5)... khách hàng không khỏi ngỡ ngàng vì các mặt hàng mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán ở đây với giá rẻ bất ngờ. Đơn cử, mặt hàng sữa tắm Leivy Naturally (nhãn hiệu Con Dê) có đến hơn 10 sản phẩm giả, nhái, giống hệt về kiểu dáng, mẫu mã và có cả tem chống hàng giả, giá bán chỉ bằng 1/3-1/2 giá hàng thật. Xử phạt quá nhẹ Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay có trên 100 vụ hàng giả đã bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ, riêng trong năm 2009 có 201 vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả với nhiều mặt hàng trong đó có mỹ phẩm. Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng mỹ phẩm giả trên thị trường nhưng chắc chắn lượng mỹ phẩm loại này và số nạn nhân của nó là không nhỏ. Mặc dù, việc buôn bán mỹ phẩm giả không phải mới xuất hiện và đã có nhiều cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm đối với hành vi trên như: Luật, Pháp lệnh, Nghị định... nhưng đến thời điểm này các cơ sở pháp lý lại chưa phát huy được hiệu quả cao. Chi Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định 107/2008 đã gỡ vướng bằng cách cho phép linh hoạt áp dụng mức phạt cao nhất. Theo đó, kinh doanh hàng giả trên 30 triệu đồng bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Nếu là mỹ phẩm, thực phẩm, xi măng... mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng. Trường hợp sản xuất hàng giả mà giá trị hàng trên 30 triệu đồng sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn được xem là chưa đủ mạnh đối với hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả. Luật sư Trần Hải Đức – Trưởng văn phòng luật sư Trần Hải Đức khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống hàng giả trong ngành mỹ phẩm chưa có văn bản riêng nên khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm và xử phạt hành chính. THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17688&menu=1368&style=1