Mỹ nói không với Exxon Mobil: Ám ảnh sức mạnh Nga

Mỹ bác mọi công ty xin nằm ngoài lệnh cấm vận với Nga kể cả công ty dầu khí của Exxon Mobil - từng là công ty của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Ngày 21/4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, không miễn trừ trừng phạt đối với các doanh nghiệp Mỹ muốn xin được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế Mỹ, để khởi động lại việc hợp tác làm ăn với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.

“Cùng với quá trình tham vấn tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính sẽ không miễn trừ trừng phạt với các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có tập đoàn Exxon, quyền khai thác dầu khí hiện vẫn đang bị cấm trong các lệnh trừng phạt áp với Nga” - thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và CEO của Exxon Mobil trong lễ ký kết thỏa thuận năm 2011- ông Rex Tillerson.

Đài CNBC cho rằng, quyết định của Bộ Tài chính với các tập đoàn năng lượng, trong đó có Exxon, phản ánh phần nào sự “đổi giọng” của Mỹ với Nga. Sau một thời gian dài dành rất nhiều lời ca ngợi về tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần trước ông Trump nói rằng quan hệ Nga - Mỹ đang ở giai đoạn “thấp nhất mọi thời”.

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), sau khi không được chấp nhận miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga dưới thời tổng thống Barack Obama, tập đoàn Exxon tiếp tục đệ đơn lên Bộ tài chính Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đề đạt nguyện vọng hồi tháng 3. Đó cũng là thời điểm cựu Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon trở thành Ngoại trưởng Mỹ.

Việc hợp tác làm ăn giữa Exxon và tập đoàn Rosneft của Nga chiếm một phần lớn trong tiềm năng tăng tưởng trong tương lai của tập đoàn dầu khí Mỹ.

Exxon hiện chưa bình luận gì về thông tin này, song có nhiều lý do mạnh mẽ cho thấy vì sao hãng năng lượng Mỹ muốn trở lại làm ăn với công ty quốc doanh Nga. Một trong số các lý do là việc thành lập liên doanh, vốn được ký vào năm 2011, sẽ cho phép Exxon tiến hành thăm dò ngoài khơi biển Đen và biển Kara ở Siberia. Theo S&P Global Platts, các mỏ dầu chưa được khai thác được cho là có triển vọng nhất ở khu Bắc cực Nga.

Năm 2012, Exxon và Rosneft đồng ý cùng nhau phát triển nguồn dự trữ dầu tại Siberia và thành lập trung tâm nghiên cứu ở Bắc cực. Kế hoạch xây dựng một nhà máy khí tự nhiên lớn gần Vladivostock ở miền Đông nước Nga được lên một năm sau đó. Dù vậy, quan hệ làm ăn này bị hoãn lại sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây khác áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì vấn đề khủng hoảng Ukraine năm 2014.

Yêu cầu được miễn tuân thủ lệnh trừng phạt là quân cờ chính trị quan trọng của Exxon. Chính quyền ông Trump đang bị dò xét kỹ về mối quan hệ với Moscow. Thực tế Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đứng đầu thỏa thuận với Rosneft khi còn là CEO của Exxon, thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả yêu cầu trên mặc dù ông tuyên bố đứng ngoài vụ việc. Ông cũng bán toàn bộ cổ phiếu của mình trong công ty và đang đặt toàn bộ số cổ phần mà ông nhận được trong thập niên tới vào một quỹ quản lý độc lập. Dù vậy, cơn bão chính trị vẫn nổi lên.

Công ty dầu khí Mỹ trông chờ vào cuộc làm ăn lớn ở Nga bị ảnh hưởng bởi chính phủ Mỹ.

Dẫu vậy, cũng cần phải đặt quyết định bác miễn trừ của Bộ Tài chính Mỹ đối với Exxon Mobil trong bối cảnh các nước thuộc nền kinh tế lớn ở châu Âu đã phân rã trong quyết định tìm kiếm một lệnh trừng phạt mới nhằm vào phía Nga.

Ngày 11/4, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), không có sự đồng thuận cho việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano, người chủ trì cuộc hội đàm của G7, cho biết các quốc gia thành viên không đạt được sự đồng thuận về việc trừng phạt Nga, đồng thời khẳng định việc cô lập hay dồn Nga vào chân tường là hành vi “sai trái”. Thay vào đó, đối thoại với Nga là phương án được các nước G7 lựa chọn.

Trong khi châu Âu với quan điểm phân rã về chống Nga, Mỹ- với vị thế nước lớn- ắt hẳn phải thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng với Moscow tất yếu không thể vì chút lung lay của châu Âu để tạo điều kiện cho các công ty Mỹ làm ảnh hưởng đến vị thế này. Người ta có quyền đặt nghi vấn, phải chăng, lệnh cấm vận là thứ duy nhất Mỹ còn dùng được để kiềm chế sức mạnh Nga?

Một chi tiết đáng lưu ý, thay vì chọn các cố vấn để ủng hộ cho quan điểm của mình trước dân chúng trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ dường như đang cô đơn trong chính trường của mình khi các cố vấn của ông đều ngăn cản ông cải thiện quan hệ với Moscow.

Tờ báo Mỹ Washington Post cho rằng, một số người có ảnh hưởng trong chính quyền Tổng thống, bao gồm các cố vấn an ninh quốc gia đã chỉ trích chính quyền Nga với thái độ "hà khắc". Đặc biệt, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson đã cáo buộc Moscow "thất bại trong việc thực hiện" một thỏa thuận về vũ khí hóa học ở Syria, còn trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Herbert McMaster nói rằng đã đến lúc "phải thảo luận cứng rắn" với Nga.

Tờ báo nhấn mạnh, ông Trump đang bị cô lập giữa bộ máy của mình. Bởi Tổng thống bị các trợ lý ngăn cản, nên việc phục hồi mối quan hệ giữa hai nước ít có khả năng thành công. Và nếu vậy, Exxon Mobil khó có nhiều hi vọng dù có đề đạt vấn đề này thêm một lần nữa.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-noi-khong-voi-exxon-mobil-am-anh-suc-manh-nga-3333784/