Mỹ - Nhật đủ sức hủy diệt phòng không Triều Tiên

Theo Aviationist ngày 4/9, Phi đội F-16 của Mỹ đã thực hiện bài bắn đạn thật với pháo và AGM-88 - loại vũ khí chuyên diệt radar phòng không đối phương.

Không quân Mỹ cho biết, đoạn video được công bố về cuộc tập trận được phi đội F-16 của Mỹ cùng Không quân Nhật Bản thực hiện tại căn cứ Misawa tại Nhật Bản và căn cứ Không quân Andersen thuộc đảo Guam của Mỹ.

Trong cuộc tập trận này, phi đội F-16 đã dùng đến hầu hết vũ khí tối tân được trang bị như bắn pháo 20 mm, thả các loại bom như GBU-12, Mk-82, Mk-84. Đặc biệt là màn phóng tên lửa không đối đất chống bức xạ AGM-88.

Tiêm kích F-16 Mỹ phóng AGM-88.

Dù Mỹ không tiết lộ mục đích cụ thể của cuộc tập trận này nhưng theo nguồn tin quân sự Nhật Bản tiết lộ, triệt hạ phòng không Triều Tiên chính là cái đích cuộc tập trận. Bởi không phải ngẫu nhiên đạn tên lửa AGM-88 được đồng loạt phóng trong cuộc tập trận này.

Nguồn tin này cho biết thêm, dù phòng thủ Triều Tiên khá cũ kỹ và lạc hậu nhưng nó vẫn đủ mạnh để có thể bắn hạ chiến đấu cơ. Chính vì vậy, chúng luôn là hiểm họa với máy bay Mỹ - Nhật một khi xung đột xảy ra và mọi kịch bản đều phải chuẩn bị trước kỹ càng.

Vậy AGM-88 diệt phòng không đối phương bằng cách nào? AGM-88 HARM là loại tên lửa được thiết kế để chống radar. Để tăng độ chính xác khi diệt mục tiêu, AGM-88 được tích hợp hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM của Không quân Mỹ, nhằm nâng cao khả năng chính xác và giảm thiệt hại phụ trong quá trình sử dụng.

HCSM được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU giúp nó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa.

Tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 là một trong những vũ khí quan trọng của Không quân Mỹ trên chiến trường, nó giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của Quân đội Mỹ trước hệ thống phòng không của kẻ địch.

AGM-88 sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối. Nguyên lý chung của loại vũ khí này là, bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát.

Đạn AGM-88 nặng khoảng 355kg, dài 4,1m, lắp đầu nổ phá mảnh nặng 66kg, trang bị động cơ rocket cho tầm bắn 150km, tốc độ bay 2.280km/h. Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, AGM-88 là “bài toán khó” đối với hệ thống đánh chặn đối phương.

Trong chiến đấu, AGM-88 sẽ phá hủy trạm radar trên bộ (hoặc tàu chiến), qua đó khống chế hệ thống phòng không đối phương. Tiếp đó, đơn vị bạn sẽ vượt qua được lưới phòng không tầm xa, áp sát tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí chính xác cao, tiêu diệt các hệ thống radar giám sát của kẻ thù.

Để khống chế và tiêu diệt các hệ thống phòng không kẻ thù, ngoài AGM-88, Mỹ thường sử dụng tên lửa MALD. Tuy nhiên, trong cuộc diễn tập này không thấy có sự xuất hiện của MALD. Sự thiếu vắng này có thể do Mỹ chỉ cần AGM-88 cho nhiệm vụ đối phó Triều Tiên.

Clip F-16 Mỹ phóng AGM-88

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/my--nhat-du-suc-huy-diet-phong-khong-trieu-tien-3342490/