Mỹ-NATO khuyên gấu Nga tự bẻ nanh, nằm yên trong vòng vây

Mỹ vừa đề nghị Nga không triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad, còn NATO lại khuyên Moscow nên chấp nhận việc khối này tiến về phía đông.

Mỹ: Nga không nên triển khai Iskander đến Kaliningrad

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi Nga không đưa ra các biện pháp phản ứng mang tính cực đoan, ví dụ như không triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander ở vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm bên bờ biển Baltic là Kaliningrad.

Trước đó, vào hồi cuối tháng 9, giới truyền thông phương Tây dẫn một nguồn tin giấu tên trong cơ quan tình báo Mỹ nói rằng, Nga đã sử dụng tàu chở hàng Ambal để bí mật vận chuyển các tổ hợp tên lửa "Iskander-M" đến Kaliningrad.

Đây là vùng lãnh thổ hải ngoại thứ nhất của Nga (vùng thứ 2 là bán đảo Crimea của Ukraine mới sáp nhập vào Nga tháng 3/2016), nằm giữa các quốc gia NATO như Đức, Ba Lan và 3 quốc gia Baltic là Latvia, Litva và Estonia; đồng thời khống chế eo biển Baltic.

Theo tuyên bố của người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby, Washington kêu gọi Nga không đưa các tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander và S-400 tới khu vực Kaliningrad, vì hành động này sẽ làm “mất ổn định an ninh châu Âu”.

"Chúng tôi hiểu rằng Nga có quyền bố trí lực lượng hạt nhân thông thường trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên triển khai Iskander và S-400 ở Kaliningrad sẽ gây mất ổn định an ninh châu Âu" - Kirby tuyên bố trong cuộc họp báo ở Washington hôm 22/11.

Theo lời ông này, Nga đã tuyên bố sẽ bố trí Iskander tại khu vực Kaliningrad trong 20 năm để đáp trả những tình huống khác nhau ở châu Âu. Đại diện Booh Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, tình hình không có gì trầm trọng để buộc Nga phải có phản ứng quân sự như vậy.

"Chúng tôi kêu gọi Nga kiềm chế, tránh đưa ra những hành động không phù hợp, nhằm đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực châu Âu và Đại Tây Dương" - đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm.

Mỹ-NATO luôn e ngại tên lửa đạn đạo Iskander Nga

NATO: Nga phải quen với việc NATO tiến về phía đông

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa kêu gọi Nga “hạ nhiệt” để chấp nhận việc mở rộng của Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Ý kiến này được ông đưa ra trong bài phát biểu tại Đại học Tổng hợp Oxford.

Băng ghi âm lời nói của Tổng thư ký NATO công bố trong tài khoản của khối này trên YouTube rằng, hành động của khối này chỉ mang tính phòng ngự và đáp trả tương xứng, họ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới và cũng không tìm kiếm đối đầu với Nga.

Tuy ông Stoltenberg cam đoan là khối này không muốn đối đầu với Nga nhưng lại lý giải động thái tăng cường của NATO ở Đông Âu là chính sách kiềm chế mạnh với Nga để ngăn ngừa chiến tranh và khuyên “Nga cần phải làm quen với sự mở rộng của NATO”.

Trả lời câu hỏi của nhà báo về phản ứng dọa sẽ có những hành động đáp trả của Nga khi xuất hiện các thành viên mới của NATO ở Trung và Đông Âu, Stoltenberg nói rằng, ông không thể hiểu tại sao Nga lại coi việc mở rộng NATO là hành động khiêu khích.

Theo ông, đây không phải là khối Liên minh mở rộng về phía đông khi Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Hungary tự nguyện nộp đơn xin gia nhập NATO. Do đó, Moscow cần phải hạ nhiệt và chấp nhận việc những nước láng giềng của Nga tự xác định con đường đi của họ.

Trong băng ghi âm đó, Jens Stoltenberg nhấn mạnh Nga nên chấp nhận sự mở rộng của NATO nhưng khối này vẫn để ngỏ khả năng đối thoại chính trị với Moscow để hai bên giải quyết những bất đồng về quan điểm song phương và những sự vụ quốc tế.

Hiện có hơn 400 căn cứ quân sự Mỹ-NATO đang vây quanh Nga

Nga: Hơn 400 căn cứ Mỹ-NATO đang vây Nga

Hiện tại, Mỹ đang có khoảng 800 căn cứ quân sự ở bên ngoài lãnh thổ của mình, chiếm 95% tổng số đơn vị triển khai đồn trú bên ngoài lãnh thổ của toàn thế giới, tức là tất cả các quốc gia khác cộng vào mới được hơn 30 căn cứ.

Hàng trăm đơn vị Mỹ đồn trú rải rác tại 80 quốc gia trên toàn thế giới, từ Australia (châu Úc) đến Bulgaria (châu Âu) sang Colombia (châu Mỹ), tới Qatar (châu Á) và mở rộng sang tận Kenya (châu Phi).

Trên thực tế, quân nhân Mỹ đang có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả 11 tàu sân bay, mỗi chiếc trong số đó có thể được coi là một căn cứ hải quân. Nhiều nhất là ở Đức (có 172 căn cứ quân sự Mỹ), ở Nhật Bản có 113 và ở Hàn Quốc cũng có tới 83 căn cứ.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ chỉ có tăng chứ không hề giảm. Hiện nay, tổng số lượng nhân viên dân sự và quân sự Mỹ trên toàn thế giới là 3.002.375 người, con số này trên lãnh thổ Mỹ là 2.751.146 người, số lượng nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở nước ngoài là 251.229 người.

5 căn cứ quân sự lớn nhất thế giới cũng là của Mỹ, đó là căn cứ Fort Campbell (424,9 km2), Fort Bragg (659,6km2), Fort Benning (736,5 km2), Fort Hood (869,9 km2), Lewis-McCord (1675,4 km). Căn cứ rộng nhất của Mỹ còn lớn hơn cả thành phố St. Peterburg của Nga là 1439 km2.

Hiện tại mặc dù khối NATO chỉ có 28 thành viên nhưng họ đã có hơn 400 căn cứ và cứ điểm quân sự đang đặt ở các nước xung quanh biên giới nước Nga và còn đang lăm le kết nạp thêm Gruzia, Ukraine và Moldova để hoàn tất vòng vây kín xung quanh nước Nga.

Do đó, việc NATO khuyên Nga nên chấp nhận việc khối này tiến về hướng Đông và Mỹ đề nghị Nga không triển khai Iskander ở Kaliningrad được các chuyên gia nhận định là không khác gì việc bảo “gấu Nga” tự bẻ nanh, ngoan ngoãn nằm trong rọ.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-nato-khuyen-gau-nga-tu-be-nanh-nam-yen-trong-vong-vay-3323758/