Mỹ mù tịt trước những chuyến tuần tra của tàu ngầm Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, hải quân nước này hiện có 9 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và chúng thực hiện nhiệm vụ trên khắp đại dương.

Thông tin này được RIA Novosti ngày 24/5 dẫn lời ông Sergei Shoigu cho biết khi tham dự cuộc họp tại Hội đồng Liên bang Nga.

"Lực lượng hạt nhân của Hải quân Nga gồm 9 tàu ngầm chiến lược, cung cấp tuần tra chiến đấu liên tục trong các vùng biển.

Hải quân Nga cũng có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược lên đến 13 chiếc, trong đó có 7 chiếc Borei trang bị tên lửa Bulava. Nga đang tiến hành tái trang bị bằng lớp tàu ngầm hạt nhân Borei tối tân nhất", ông Shoigu cho biết thêm.

Tàu ngầm hạt nhân Nga.

Trước khi tiết lộ con số về tàu ngầm chiến lược của Hải quân Nga, trong một bài viết cũng trên RIA Novosti của Nga cho biết, "Hội liên hiệp các nhà khoa học Mỹ" vừa soạn thảo một bản báo cáo phân tích tình hình tuần tra tầm xa trên biển của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga.

Bản báo cáo đã phân tích các số liệu mà hải quân Mỹ đã thu thập được ở trong và ngoài nước. Theo bản báo cáo này, tàu ngầm Nga cứ 40 - 60 ngày lại ra khơi tuần tra trên biển 1 lần, ngang dọc khắp các tuyến đường trên thế giới.

Bắt đầu từ giữa năm 2012 đến nay, Bộ Quốc phòng Nga đã liên tục cắt cử các tàu ngầm thay phiên nhau để luôn duy trì ít nhất 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược tuần tra trên hải phận quốc tế. Báo cáo cho biết, có tổng cộng 9 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga thuộc 3 lớp khác nhau đã ra khơi.

Bài báo cho biết của Nga cho biết, không rõ Mỹ thu thập được các số liệu này từ nguồn nào, mức độ chính xác ra sao nhưng chắc chắn là nó có nhiều thiếu sót. Bởi chỉ đến khi các tàu ngầm Nga nổi lên và công khai lộ diện Mỹ mới có thể phát hiện được, còn rất nhiều vụ các tàu ngầm này âm thầm tiến hành tuần tra thì người Mỹ không thể điều tra được.

Hồi cuối năm 2016, tạp chí Washington Free Beacon cho biết, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 7/2012, một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Akula thuộc Project 971 của Nga đã tuần tra bờ biển nước Mỹ.

Các vệ tinh và các cảm biến sóng siêu âm của Washington đã "hoàn toàn thất bại" trong việc phát hiện sự có mặt của tàu ngầm này. Chỉ tới khi con tàu nhô lên mặt nước, sau đó lặn xuống và đi khỏi khu vực thì Hải quân Mỹ mới phát hiện sự việc.

Sự việc này đã chứng chứng minh cho thế giới biết khả năng "tàng hình" của tàu ngầm Akula tại vùng biển mà người Mỹ cho rằng không có một tàu ngầm, tàu chiến nước ngoài nào có thể qua mắt được các hệ thống trinh sát, cảm biến tối tân của quân đội Mỹ.

Con tàu này đã thực hiện bài kiểm tra bí mật, thành công mỹ mãn ở ngoài khơi bờ biển nước Mỹ, giúp Hải quân Nga thu thập được dữ liệu về những tuyến đường di chuyển của tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ ở Vịnh Mexico.

Khi đó, Bộ Quốc phòng Nga không thừa nhận, cũng không phủ nhận thông tin về chuyến đi của Akula, chỉ trả lời một cách chung chung là "hiện tại các tàu ngầm Nga đang hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu không được tiết lộ, thậm chí là sau nhiều thập kỷ".

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/my-mu-tit-truoc-nhung-chuyen-tuan-tra-cua-tau-ngam-nga-3336100/