Mở cửa cho 15.000 thị thực lao động ngắn hạn, Mỹ cố cứu vớt doanh nghiệp nội

Chính quyền Hoa Kỳ hôm thứ Hai (17/7) đã cho phép hàng ngàn lao động nước ngoài được nhập cảnh thông qua thị thực ngắn hạn khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tuần lễ “Made in America” và kêu gọi đồng hành cùng người lao động Mỹ.

Những người ủng hộ quản lý chặt chẽ chính sách nhập cư đã chỉ trích hình thức thị thực bổ sung mới này, cho rằng người lao động Mỹ mới cần được nhận việc làm một cách rộng rãi.

Ông Donald Trump, cựu chuyên gia bất động sản ở New York từng nhờ vào các nhân viên thời vụ làm việc tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của mình, đã tuyên bố lời hứa sẽ khôi phục việc làm cho nước Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình.

Reuters đưa tin cho biết, hôm thứ Hai, ông Trump đã giới thiệu chương trình “Made in America” (Sản xuất ở Mỹ) tại Nhà Trắng và đưa ra những biện pháp phòng thủ cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình.

Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ John Kelly.

“Chúng ta sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và quan trọng nhất là đồng hành cùng người lao động”, ông Donald Trump phát biểu, “Rõ ràng đã đến lúc thực hiện chính sách mới, được xác định dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Chúng ta mua hàng Mỹ. Và chúng ta thuê người Mỹ”.

Các quan chức liên bang Mỹ thì cho rằng, hiện không đủ nguồn lực lao động sẵn sàng cho các công việc phi nông nghiệp thời vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ John Kelly, chính phủ đã cho phép cấp 15.000 thị thực bổ sung cho người lao động thời vụ, với ý định giúp đỡ các doanh nghiệp Mỹ đang khó khăn vì không thể thuê được lao động.

Có rất nhiều loại hình kinh doanh như khu nghỉ dưỡng, các công ty du lịch, các nhà máy chế biến thủy hải sản đã nộp đơn xin phép thuê thêm người lao động thời vụ để phục vụ công việc của họ.

Quốc hội Mỹ ban đầu đặt ra mức hạn chế là 66.000 người lao động thời vụ trong năm tài chính sẽ kết thúc vào 30/9 tới đây. Trong tháng Năm, các nghị sỹ Mỹ cho phép ông Kelly cung cấp thêm 70.000 thị thực ngắn hạn và cho phép sử dụng quyền hạn của ông để chấp thuận nhiều hơn nếu thích hợp.

Quyết định dấy lên mối lo ngại các nhà tuyển dụng sẽ tuyển những công nhân nước ngoài lành nghề hơn, chăm chỉ hơn chấp nhận mức lương thấp hơn là những người Mỹ thất nghiệp không có kỹ năng nghề. Nó cũng làm gia tăng lo ngại về lạm dụng lao động thời vụ và việc không thể bảo vệ quyền lợi của họ trước những nhà tuyển dụng vô đạo đức.

Chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump dựa trên nền tảng ưu tiên thuê lao động Mỹ. Tuy nhiên, theo Reuters đưa tin, nhân viên của ông Trump tại các khu nghỉ dưỡng ở Florida chỉ toàn là lao động thời vụ có thị thực ngắn hạn. Kể cả nhãn thời trang của cô con gái cả Ivanka của ông Trump cũng thuê các nhà máy đóng tại các nước có chi phí rẻ như Bangladesh, Indonesia and và Trung Quốc.

Minh Anh ( lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-mo-rong-thi-thuc-lao-dong-ngan-han-de-thuc-day-chinh-sach-made-in-america-post232282.info