Mỹ mất ưu thế không quân so với Nga, Trung Quốc

Sự phát triển mạnh các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga, Trung Quốc khiến ưu thế trên không của Mỹ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí chỉ ngang bằng so với đối thủ.

Sau Thế chiến II, không quân Mỹ vươn lên trở thành lực lượng thống trị bầu trời. Những năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế về không quân so với Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ưu thế của không quân Mỹ so với Nga ngày càng giảm dần.

Đặc biệt quá trình hiện đại hóa quân đội “chóng mặt” của Trung Quốc đang khiến ưu thế của Mỹ giảm nhanh hơn, không muốn nói là về mức cân bằng. Mỹ chỉ còn nắm ưu thế trong một số lĩnh vực nhỏ so với đối thủ.

Sự trỗi dậy của đối thủ

Nga đang đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân đội với nhiều khí tài tối tân. Moscow đã triển khai hệ thống phòng không mạnh nhất của họ đến Syria và Kaliningrad. Các hệ thống này đang đe dọa hoạt động của không quân Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng, việc triển khai tên lửa làm phức tạp và hạn chế những lựa chọn của Mỹ đối với Syria.

Trung Quốc cho thấy họ đang thực hiện quá trình hiện đại hóa quân đội một cách rất ấn tượng. Bắc Kinh đã bồi lấp trái phép 7 thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang xây dựng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự.

Không quân Mỹ đang mất dần ưu thế trên không so với đối thủ. Ảnh: Theaviationist

Một số thực thể đảo nhân tạo có đường băng và radar mà Bắc Kinh có thể sử dụng để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và Mỹ phải đấu tranh để phá vỡ nó.

Tướng David Goldfein, tham mưu trưởng không quân Mỹ từng phát biểu trong một hội nghị tại Lầu Năm Góc về sự suy giảm ưu thế của không quân Mỹ: “Tôi tin rằng đó là một cuộc khủng hoảng, ưu thế trên không không phải là một sự kế thừa, nó thực sự là một cái gì đó mà bạn phải chiến đấu để duy trì”.

Mỹ có lực lượng không quân lớn nhất thế giới nhưng phải dàn trải trên toàn thế giới. Ở Thái Bình Dương hoặc Baltic, các lực lượng nhỏ và tập trung hơn có thể ngang hoặc gần bằng so với lực lượng khổng lồ của Mỹ.

Chỉ có F-22 nắm ưu thế

Trong số các máy bay chiến đấu của Mỹ, chỉ có tiêm kích tàng hình F-22 Raptor vẫn dẫn đầu và nắm ưu thế so với các chiến đấu cơ của đối phương. Raptor là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới

F-22 được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không với khả năng cơ động cao, phát hiện mối đe dọa từ khoảng cách đáng kinh ngạc và khó bị phát hiện bởi máy bay chiến đấu đối phương. Chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 Lighting II, một máy bay tàng hình có diện tích phản hồi radar bằng một quả bóng rổ.

Tiêm kích tàng hình F-22, cứu cánh duy nhất của Mỹ trong việc chiếm ưu thế trên không. Ảnh: RT

Trong khi đó, Raptor có diện tích phản hồi radar chỉ bằng một viên đá cẩm thạch. Do đó, F-22 là hy vọng duy nhất của Mỹ trong việc chiếm ưu thế trên không trước đối phương.Tuy nhiên, Dave Majumdar, một chuyên gia về hệ thống phòng không Nga nói với Business Insider rằng phi công F-22 phải hoạt động trong một môi trường chiến thuật tuyệt vời để chống lại các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Một phi công F-22 trao đổi với ông Majumdar rằng: “Chúng tôi được đào tạo chống lại các mối de dọa lớn và tồi tệ nhất. Chúng tôi đang tập luyện chiến đấu chống lại những mối đe dọa tiên tiến nhất hiện có”.

Tính năng tàng hình giúp F-22 nắm giữ lợi thế áp đảo ở tác chiến tầm xa vì phi công F-22 có thể nhắm mục tiêu rất lâu trước khi bị đối phương phát hiện.Trong khi đó, đối đầu tầm gần rất bất lợi cho F-22 và các phi công phải học cách để khắc phục hạn chế này.

Như vậy, F-22 là “cứu cánh” cho không quân Mỹ trong cuộc đối đầu với các vũ khí tiên tiến của Nga như S-300, S-400 và tiêm kích Su-35. “Thiệt hại đối với F-22 là điều hiếm khi xảy ra, bất kể mối đe dọa tiên tiến nhất mà chúng tôi đang đào tạo để chống lại nó”, phi công F-22 nói.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-mat-uu-the-khong-quan-so-voi-nga-trung-quoc-post703438.html