Mỹ La-tinh và 'bài toán' giảm lãng phí lương thực

Trong khi hàng triệu người ở các quốc gia nghèo khó luôn sống trong tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng thì ở một số nơi trên thế giới lại lãng phí hàng triệu tấn thực phẩm. Câu chuyện về lãng phí lương thực không phải là mới nhưng đến nay việc giải quyết tình trạng này vẫn là một 'bài toán khó' chưa có lời giải…

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cho biết, các nước Mỹ La-tinh sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn giúp giảm và ngăn chặn tình trạng lãng phí tới 127 triệu tấn lương thực mỗi năm tại khu vực này.

Đại diện chính phủ, tổ chức xã hội của các nước Mỹ La-tinh đã thảo luận về chủ đề trên tại một cuộc họp mới đây do FAO tổ chức tại thủ đô Xan-ti-a-gô (Chi-lê) và nhất trí đề xuất xây dựng một công cụ pháp lý không ràng buộc nhằm hoàn thành một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, giảm một nửa mức độ thất thoát lương thực đến năm 2030.

Lãng phí lương thực đang là bài toán khó ở Mỹ La-tinh. Ảnh: Getty Image

FAO cho biết, tổ chức này đang hỗ trợ các quốc gia Mỹ La-tinh xây dựng bộ tiêu chuẩn nói trên, trong đó đánh giá tình hình thực tế và xác định nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thực phẩm, thức ăn bị vứt bỏ, để trình lên Ủy ban An ninh lương thực Thế giới (SCA) trong tháng này.

Theo thống kê, 30% trong tổng số 378 tỷ tấn lương thực mà Mỹ La-tinh sản xuất hằng năm đã bị lãng phí, trong khi có tới 36 triệu người ở trong khu vực bị thiếu đói. Tại những nước phát triển, khoảng 40% lượng lương thực thất thoát xảy ra vào thời điểm sau thu hoạch và trong quá trình chế biến, trong khi tại các quốc gia công nghiệp, tỷ lệ tương đương bị bỏ đi ở khâu bán lẻ và tiêu dùng. Từ năm 2015, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Mê-hi-cô, Pê-ru và U-ru-goay đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Quốc hội và thảo luận 19 dự án liên quan nhằm hạn chế thói quen xấu này.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của FAO tại Mỹ La-tinh Giu-li-ô Béc-đê-gơ (Julio Berdegue) đã cảnh báo rằng, hiện nay một lượng lớn lương thực của thế giới đã bị vứt bỏ vào thùng rác, trong khi hơn 795 triệu người vẫn còn đang đói ăn và đây chính là tội ác thực sự.

Chi-lê cũng vừa mới tuyên bố thành lập ủy ban liên ngành về vấn đề này với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Cô-xta Ri-ca, Cô-lôm-bi-a, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na và U-ru-goay. Chuyên gia của Trung tâm Lịch sử môi trường thế giới thuộc Đại học Sussex (Anh) Trít-xtam Xtiu-uốt (Tristam Stuart) ước tính, Chi-lê đã bỏ phí khoảng 1,62 triệu tấn lương thực mỗi năm, tương đương 100kg/người. Bên cạnh đó, FAO cho biết, 53% số cá tuyết được đánh bắt để tiêu thụ tại Chi-lê bị vứt bỏ như chất thải thực phẩm và trung bình mỗi người dân nước này lãng phí 63,3kg bánh mỳ/năm. FAO khuyến cáo cần giảm và tránh thất thoát lương thực ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng, bởi tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, kinh tế xã hội và tính bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu.

Lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, trong khi số người bị đói và chết vì thiếu lương thực là con số không nhỏ. Nhiều người vẫn cho rằng, ô nhiễm môi trường vốn là hậu quả nặng nề của việc thương mại hóa, sản xuất… Song ngoài những hoạt động này, việc lãng phí lương thực mỗi ngày đang trở thành mối đe dọa mới cho môi trường sống của con người.

Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo rằng, tình trạng lãng phí lương thực gây trở ngại không nhỏ cho những nỗ lực chống đói nghèo. WB nhấn mạnh, có một nghịch lý là trong khi hàng triệu người trên thế giới đi ngủ ôm bụng đói mỗi đêm thì hàng triệu tấn lương thực bị lãng phí hoặc bị hư hỏng do khâu bảo quản kém. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lãng phí thực phẩm nằm ở khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ trong dây chuyền cung ứng lương thực. Thậm chí, hàng triệu tấn lương thực bị ném vào thùng rác hoặc bị hỏng trên đường vận chuyển ra thị trường. Cũng theo báo cáo của WB, tình trạng lãng phí lương thực đang gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên như đất đai, nước, năng lượng…

Đây không phải là lần đầu tiên hồi chuông báo động về nạn lãng phí thực phẩm được gióng lên. Ở các nước giàu, thực phẩm bị vứt bỏ bởi những người tiêu dùng trót mua quá nhiều. Các nhà bán lẻ cũng vứt bỏ những thực phẩm bị xem là trông không ngon. Báo The Sun (Anh) dẫn một số ước tính cho biết, đến năm 2050, để nuôi sống dân số toàn cầu đang tăng lên, sản lượng lương thực sẽ tăng 60% so với năm 2005. Vì thế, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, những nỗ lực giảm hàng tỷ tấn lương thực bị lãng phí có thể giúp cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, giảm tác hại đến môi trường cũng như bảo đảm mọi người tiếp cận chế độ ăn uống bổ dưỡng, an toàn, hợp túi tiền.

Tình trạng lãng phí hàng triệu tấn lương thực hiện nay đặt Mỹ La-tinh vào tình thế cấp bách. Khu vực này đang đứng trước thách thức tìm lời giải cho bài toán khó về giảm lãng phí lương thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, làm cho môi trường trong lành hơn.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-la-tinh-va-bai-toan-giam-lang-phi-luong-thuc-510688