Mỹ không tin Tu-160M2 có thể thoát khỏi tầm bắn

Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi hoàn thành nâng cấp, phiên bản máy bay Tu-160M2 trần bay có thể tới tầng bình lưu, tức trên 18km.

Trên tầm bắn của Mỹ

Hãng RIA Novosti ngày 29/4 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, Không quân Nga sẽ nâng cấp toàn bộ các đơn vị máy bay ném bom Tu-160 hiện có lên chuẩn Tu-160M2.

"Điều đó có nghĩa là các máy bay Tu-160 sẽ được nâng cấp sâu ở nhiều hạng mục. Tất cả các hệ thống trên khoang của chúng sẽ được thay thế. Cùng với đó, chúng tôi cũng có kế hoạch nâng cấp máy bay ném bom Tu-22M3”, ông Y. Borisov tuyên bố.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, Nga sẽ tiếp tục duy trì toàn bộ 16 máy bay ném bom Tu-160 hiện có và nâng cấp chúng. Trong tương lai, Không quân Nga còn được nhận thêm các đơn vị Tu-160M2 mới theo dây chuyển lắp ráp mới được khôi phục.

Máy bay Tu-160 của Nga.

Nói về phiên bản nâng cấp của Tu-160, trang RBTH dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, Không quân Nga sẽ nhận được những phiên bản động cơ phản lực NK-32 Series 02 đầu tiên - thế hệ động cơ được trang bị cho máy bay Tu-160M2.

Đại diện Viện thiết kế Kuznetsov ở Samara cho biết: "Động cơ loại NK-32 Series 02 hoạt động không chỉ như động cơ phản lực mà còn như động cơ tên lửa, giúp máy bay bay ở độ cao không loại tên lửa phòng không nào có thể bắn tới nó".

Loại động cơ NK-32 đã không còn tiếp tục phát triển từ năm 1993, và Viện Kuznetsov nghiên cứu chế tạo loại động cơ NK-32 nâng cấp được định danh là NK-32 Series 02.

Tu-160M2 với động cơ mới này sẽ có tốc độ hơn 2.000 km/h, và do bay cao đến tầng bình lưu của khí quyển trái đất (hơn 18 km) nên phi công sẽ mặc bộ đồ bay như của phi hành gia. Với tầm bay này, Tu-160M2 hoàn toàn không phải lo lắng bị tên lửa phòng không mặt đất bắn hạ.

Mỹ không tin

Dù Nga khá tự tin vào khả năng thoát hiểm của Tu-160M2 trước phòng không đối phương nhưng người Mỹ không nghĩ vậy. Theo nhận định của Tạp chí Business Insider, với trần bay nói trên, máy bay này có thể nằm gọn trong tầm bắn của hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ hiện đang sở hữu.

Đầu tiên theo tạp chí Mỹ là hệ thống Patriot. Hệ thống Patriot PAC-2 là hệ thống phòng không tầm trung đến tầm xa do tập đoàn Raytheon sản xuất. Hệ thống được thử nghiệm vào năm 1987, đưa vào sử dụng từ năm 1990. Khẩu đội PAC-2 gồm 3 phương tiện phóng di dộng trang bị 4 đạn tên lửa/xe, radar tìm kiếm mục tiêu kiêm điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53.

Patriot PAC-2 có cơ chế dẫn đường bám theo đạn tiên tiến cho phép hệ thống tiêu diệt các mục tiêu nhỏ cơ động cao như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật. PAC-2 đã trở thành hệ thống phòng không đầu tiên trên thế giới đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. PAC 2 có tầm bắn 160 km, tầm cao 24 km.

Trong khi đó, với Patriot PAC-3 có khả năng đánh chặn gấp nhiều lần so với PAC 2. Về cơ bản, PAC-3 giống với PAC-2 về phương tiện mang phóng, nhưng mỗi bệ phóng mang theo 16 đạn tên lửa so với 4 tên lửa của PAC-2. PAC-3 sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu kiêm điều khiển hỏa lực AN/MPQ-65 với bộ vi xử lý mạnh hơn.

PAC 3 được trang bị công nghệ "truy đuổi - tiêu diệt" tiên tiến. Tên lửa sử dụng đầu đạn động năng không thuốc nổ và tiêu diệt mục tiêu bằng vụ va chạm tốc độ cao. PAC-3 có khả năng đánh chặn cao gấp 5 lần so với PAC-2. PAC 3 có trần bắn 35 km.

Ngoài 2 phiên bản của Patriot, trên những chiến hạm Aegis của Mỹ đang sở hữu những tên lửa đánh chặn tầm cao cực mạnh gồm SM-2 và SM-3... Với lưới lửa này, thật khó để chiếc Tu-160M2 tồn tại nếu nó lọt vào trận địa tên lửa Mỹ.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-khong-tin-tu-160m2-co-the-thoat-khoi-tam-ban-3334416/